Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu thông qua nghị quyết về bảo vệ nhân quyền, bảo vệ dữ liệu cá nhân và giám sát các rủi ro do trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra.
Nghị quyết do Mỹ bảo trợ được thông qua hôm 21/3 với sự đồng thuận của hơn 120 quốc gia thành viên mà không cần bỏ phiếu. Nghị quyết đặt mục tiêu thúc đẩy các hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy để mang lại lợi ích và sự phát triển bền vững cho cộng đồng. Đây là sáng kiến mới nhất của các Chính phủ trên thế giới nhằm định hình sự phát triển của AI trong bối cảnh nhiều quốc gia lo ngại trí tuệ nhân tạo được sử dụng để phá vỡ các quy trình dân chủ, tăng nguy cơ gian lận, mất việc làm nghiêm trọng cùng nhiều hệ lụy khác.
Theo nghị quyết vừa thông qua, việc phát triển và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo không đúng hoặc có ác ý có thể gây ra những rủi ro có thể làm suy yếu việc bảo vệ, thúc đẩy và hưởng thụ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản.
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nêu tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong quá trình thiết kế, phát triển và sử dụng AI. Đồng thời, Liên Hiệp Quốc kêu gọi tất cả các nước thành viên và các bên liên quan kiềm chế việc sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế hay gây ra rủi ro quá mức với việc thực hành nhân quyền.
Nghị quyết đề nghị các nước thành viên hợp tác hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để họ có thể thụ hưởng hoặc tiếp cận toàn diện, công bằng, thu hẹp khoảng cách và nâng cao trình độ kỹ thuật số.
Bà Linda Thomas Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cam kết sẽ thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia và dùng AI để thúc đẩy các ưu tiên chung liên quan đến phát triển bền vững. Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận tiềm năng của AI trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa 17 mục tiêu phát triển bền vững do cơ quan này khởi xướng.
Vĩnh Hà