Cơ quan này sẽ tập trung vào việc tăng cường khả năng phục hồi của các tuyến cáp ngầm – một phần thiết yếu của cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu. Các cáp ngầm này chịu trách nhiệm truyền tải hơn 99% lưu lượng dữ liệu kỹ thuật số quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như thương mại, tài chính, chính phủ, y tế kỹ thuật số và giáo dục.
Nhận thức được tầm quan trọng của những tuyến cáp internet dưới biển, ITU đã quyết định áp dụng cách tiếp cận chủ động hơn để bảo vệ cơ sở hạ tầng này. Cơ quan tư vấn sẽ thực hiện một số nhiệm vụ chính, bao gồm phát triển các chiến lược tăng cường khả năng phục hồi cáp, khuyến khích các biện pháp thực hành tốt nhất giữa các chính phủ và các bên liên quan trong ngành cũng như đảm bảo sửa chữa kịp thời các tuyến cáp bị hư hỏng. Mục tiêu của cơ quan là giảm thiểu rủi ro hư hỏng trong tương lai và duy trì liên lạc không bị gián đoạn.
Lý do khiến Liên Hiệp Quốc hành động
Hành động của Liên Hiệp Quốc diễn ra sau khi chứng kiến hơn 200 sự cố cáp được báo cáo trên toàn cầu, tương đương với hơn 3 sự cố mỗi tuần, trong năm 2023. Mặc dù ITU không đề cập đến các vấn đề nhạy cảm về chính trị, như cáo buộc phá hoại từ các quốc gia thù địch, nhưng tổ chức này nhấn mạnh việc bảo vệ cáp ngầm là rất cần thiết cho nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.
Cơ quan tư vấn quốc tế về khả năng phục hồi cáp ngầm, được hỗ trợ bởi Ủy ban bảo vệ cáp quốc tế, sẽ thúc đẩy đối thoại giữa các cơ quan chính phủ, cơ quan quản lý, chuyên gia kỹ thuật và các bên liên quan trong ngành tư nhân. Với độ tin cậy của cáp ngầm là nền tảng cho nền kinh tế kỹ thuật số, những nỗ lực chung này được coi là rất quan trọng để bảo vệ và tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu trên toàn cầu.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lien-hiep-quoc-thanh-lap-to-chuc-bao-ve-cap-internet-duoi-bien-1852412051347308.htm