Liên hợp quốc (LHQ) tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga như là một thỏa thuận song song với Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết riêng tại Istanbul với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc vào ngày 22/7/2022. (Nguồn: AFP) |
Phát ngôn viên của Liên hợp quốc ngày 26/5 cho biết tổ chức này tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga như là một thỏa thuận song song với Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen – cho phép xuất khẩu nông sản của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen.
Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, Liên hợp quốc đang hợp tác với Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu châu Phi để thiết kế một nền tảng tài chính thương mại nhằm tạo điều kiện cho các giao dịch hiệu quả giữa các nhà xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga với các khách hàng châu Phi.
Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Nga, cho biết nếu ngân hàng Rosselkhozbank không được kết nối với SWIFT (Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) và không có tiến triển trong việc giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống khác đang cản trở xuất khẩu nông sản của Nga, thì Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cũng sẽ phải tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết riêng tại Istanbul với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc vào ngày 22/7/2022. Thỏa thuận ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày, được gia hạn thêm 120 ngày vào giữa tháng 11/2022 cho đến ngày 18/3/2023. Vào thời điểm đó, Nga chỉ đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày, đến ngày 18/5/2023. Ngày 17/5, Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày.
Là một thỏa thuận song song, Nga và Liên hợp quốc đã ký một biên bản ghi nhớ về việc tạo thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.
Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 26/5 cho biết Trung Quốc hy vọng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có thể được thực hiện một cách cân bằng và toàn diện, đồng thời muốn hợp tác về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.