“Con số đáng kinh ngạc là 347 triệu trẻ em dưới 18 tuổi phải đối diện tình trạng khan hiếm nước ở mức độ cao hoặc cực kỳ cao tại Nam Á, cao nhất trong số mọi khu vực trên thế giới”, theo báo cáo. Nam Á là nơi sinh sống của hơn 1/4 trẻ em toàn cầu và gồm các nước Afghanistan, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.
Theo báo cáo, biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn các mô hình thời tiết và lượng mưa, dẫn đến nguồn nước không thể dự đoán được. Báo cáo nêu các vấn đề chất lượng nước kém, thiếu nước và quản lý yếu kém như khai thác quá mức các tầng ngậm nước, trong khi biến đổi khí hậu làm giảm lượng nước bổ sung. “Khi các giếng trong làng cạn kiệt, nhà cửa, trung tâm y tế và trường học đều bị ảnh hưởng. Với khí hậu ngày càng khó lường, tình trạng khan hiếm nước dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với trẻ em ở Nam Á”, UNICEF dự báo.
Việc của phụ nữ: Liều mình đu dây xuống đáy giếng lấy nước
Trong Hội nghị Biến đổi khí hậu của LHQ lần thứ 28 (COP 28) tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào tháng 12, UNICEF sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo “đảm bảo một hành tinh sinh sống được”.
“Nguồn nước an toàn là một quyền lợi cơ bản. Thế nhưng hàng triệu trẻ em ở Nam Á không có đủ nước uống trong khu vực chịu nhiều lũ lụt, hạn hán và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác, gây ra ngày càng nhiều bởi biến đổi khí hậu”, theo AFP dẫn lời giám đốc phụ trách khu vực Nam Á của UNICEF Sanjay Wijesekera. Báo cáo chỉ ra rằng trẻ em chịu nhiều tác động của khủng hoảng khí hậu, như bệnh tật, ô nhiễm không khí và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Từ lúc thụ thai cho đến khi trưởng thành, sức khỏe và sự phát triển của não, phổi, hệ miễn dịch và các chức năng quan trọng khác của trẻ đều bị ảnh hưởng bởi môi trường.
Năm ngoái, có 45 triệu trẻ em ở Nam Á thiếu tiếp cận các dịch vụ nước uống cơ bản, nhiều hơn mọi khu vực khác. Tuy nhiên, UNICEF cho biết các dịch vụ đang mở rộng nhanh chóng với hy vọng con số này sẽ giảm phân nửa vào năm 2030. Xếp sau Nam Á về tình trạng khan hiếm nước là khu vực Đông và Nam Phi, nơi 130 triệu trẻ em có nguy cơ thiếu nước trầm trọng.
Gian nan hành trình lấy nước ở Ấn Độ
Trên toàn cầu, có 739 triệu trẻ em hiện sống trong các khu vực khan hiếm nước mức độ cao hoặc rất cao. UNICEF kêu gọi các bên hành động để bảo vệ cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em, bao gồm việc điều chỉnh các dịch vụ xã hội thiết yếu, trao quyền cho mọi trẻ em để trở thành người đấu tranh vì môi trường, thực hiện các thỏa thuận quốc tế về bền vững và biến đổi khí hậu, bao gồm việc giảm nhanh lượng khí thải.