Hãng Reuters đưa tin lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ chính thức áp dụng từ ngày 18.6 tại Sudan, sau hơn 2 tháng xung đột giữa 2 bộ phận thuộc quân đội, giúp thủ đô Khartoum lắng dịu sau những vụ đụng độ và không kích vào đêm hôm trước.
Quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đối lập đã đồng ý ngừng tấn công nhau và không tìm kiếm lợi thế quân sự trong giai đoạn ngừng bắn. Hai bên cũng sẽ cho phép phân phối hàng viện trợ, theo các nhà trung gian đàm phán Ả Rập Xê Út và Mỹ.
Một số lệnh ngừng bắn trước đó đã không được thực thi, sau khi xung đột bùng nổ giữa 2 bên từ ngày 15.4.
Cuộc tranh giành quyền lực giữa 2 phe đã khiến thủ đô Khartoum của Sudan trở thành nơi giao tranh và cướp phá, cũng như dẫn đến đụng độ tại những khu vực khác và khiến bạo lực leo thang tại Darfur phía tây Sudan.
Vài giờ trước khi lệnh ngừng bắn bắt đầu lúc 6 giờ ngày 18.6 (giờ địa phương), một số nhân chứng cho biết những vụ đụng độ và không kích tiếp diễn tại một số khu vực ở Khartoum và thành phố Omdurman lân cận.
“Tình hình ở Khartoum giờ đã yên tĩnh, nhất là sau các cuộc không kích thật kinh hoàng vào đêm qua. Chúng tôi đã mệt mỏi. Đã đủ chiến tranh, chết chóc và cướp bóc”, cư dân 49 tuổi Salaheldin Ahmed tại thủ đô cho biết, bày tỏ hy vọng lệnh ngừng bắn có thể là “khởi đầu cho sự kết thúc” xung đột.
Những lệnh ngừng bắn trước đó do Ả Rập Xê Út và Mỹ làm trung gian trong những cuộc đàm phán tại thành phố Jeddah (Ả Rập Xê Út) đã giúp phân phối một số hàng viện trợ nhân đạo, nhưng 2 bên tại Sudan nhiều lần vi phạm thỏa thuận.
Vào ngày 19.6, các bên gồm Liên Hiệp Quốc, Đức, Qatar, Ả Rập Xê Út và Ai Cập sẽ tổ chức hội nghị tài trợ tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm thu hút những cam kết tài trợ cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Sudan.
LHQ cho biết hơn phân nửa trong số 49 triệu người tại Sudan hiện cần viện trợ nhân đạo, cần khoản tài chính 3 tỉ USD cho đến cuối năm nay. LHQ cũng kêu gọi quyên góp gần 500 triệu USD giải quyết khủng hoảng tị nạn gây ra do xung đột.
Hơn 500.000 người tại Sudan đã sang các nước láng giềng để lánh nạn, bên cạnh gần 1,7 triệu người phải di tản trong nước.