LỆNH CẤM VÔ LÝ CHƯA ĐƯỢC DỠ BỎ
ACBS ban hành lệnh cấm tham dự tất cả các giải đấu ở châu Á và quốc tế từ tháng 6.2024 – 1.2025 đối với các VĐV, quan chức thuộc Liên đoàn Billiards & Snooker VN (VBSF). Lý do của lệnh cấm này được cho là tại VN đã tổ chức giải Hanoi Open Pool Championship vào tháng 10.2023. Đây là giải đấu của World Nineball Tour (WNT), thuộc Công ty Matchroom (tổ chức đối lập với Hiệp hội Billiards pool thế giới – WPA). Với lệnh cấm này, người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các cơ thủ pool VN.
Lệnh cấm của ACBS không thuyết phục. Trước đó, những giải đấu của WNT được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới như Anh, Đức, Mỹ… và 2 quốc gia châu Á là Trung Quốc, Philippines, nhưng liên đoàn billiards các nước này đều không bị phạt. Lệnh cấm của ACBS cũng không có căn cứ, khi VBSF không phải là đơn vị quản lý và tổ chức Hanoi Open Pool Championship. Giải pool 9 bi này được Liên đoàn Billiards & Snooker Hà Nội tổ chức, dưới sự cấp phép của Sở VH-TT Hà Nội. Theo pháp luật VN hiện hành, việc giải Hanoi Open Pool Championship được cấp phép bởi Sở VH-TT Hà Nội là hoàn toàn đúng thẩm quyền. VBSF không có quyền và trách nhiệm đối với việc cấp phép cho giải đấu quần chúng quốc tế có tính chất, nội dung như giải Hanoi Open Pool Championship, nên ACBS/WPA không có căn cứ để ban hành lệnh cấm đối với VBSF.
Án phạt đối với billiards VN vấp phải sự chỉ trích, phản ứng dữ dội từ người hâm mộ và nhiều cơ thủ quốc tế. Khi nhiều tay cơ tốp đầu thế giới đồng loạt kêu gọi tẩy chay không dự các giải thuộc WPA (cho đến khi bỏ lệnh cấm), WPA đã có động thái xoa dịu căng thẳng khi mời các VĐV đối thoại trực tuyến để lắng nghe ý kiến. Tuy nhiên, đến nay ACBS vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm với VĐV của VN. Thậm chí, ACBS còn có động thái nhắc lại án phạt kể trên, trong bối cảnh Hanoi Open Pool Championship 2024 chuẩn bị khởi tranh (từ 28.9).
LỢI ÍCH LỚN TỪ HANOI OPEN POOL CHAMPIONSHIP 2023: Không chỉ về kinh tế
Các cơ thủ hàng đầu thế giới đã nhấn mạnh rằng lệnh cấm của ACBS/WPA với nhiều VĐV châu Á không chỉ gây hại cho các cá nhân mà còn đe dọa sự phát triển và tính toàn vẹn của billiards. Đối với VN, lệnh cấm với các giải đấu có tính chất tương tự như Hanoi Open Pool Championship còn làm kìm hãm sự phát triển của VĐV, của phong trào và nền kinh tế thể thao nói chung.
Theo thống kê từ giải Hanoi Open Pool Championship 2023, 18 tỉ đồng đã được chi trả cho các nhà cung cấp tại Hà Nội để tổ chức sự kiện; 1,2 tỉ đồng trả cho 368 nhân công trong 16 ngày diễn ra sự kiện. Doanh thu từ nguồn du khách quốc tế (VĐV, người nhà VĐV, ê kíp đối tác…) là 23 tỉ đồng. Giải có tổng tiền thưởng lên đến 300.000 USD, đồng nghĩa 30.000 USD thuế thu nhập cá nhân được nộp vào ngân sách. Tổng cộng 872 triệu đồng đã được nộp vào ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân nhận giải thưởng và thuế bán vé.
Bên cạnh đó, giá trị về mặt quảng bá hình ảnh của TP.Hà Nội nói riêng và VN nói chung thông qua những giải đấu như Hanoi Open Pool Championship là rất lớn. Hình ảnh TP.Hà Nội được xuất hiện trên các kênh truyền hình lớn của thế giới như Sky Sport, DAZN…
LỆNH CẤM TỪ LIÊN ĐOÀN BILLIARDS CAROM THẾ GIỚI (UMB)
Với việc dự giải billiards carom 3 băng PBA Hanoi Open 2024 hồi cuối tháng 8, 128 cơ thủ nam và 64 cơ thủ nữ (trong đó có 27 cơ thủ VN) đã bị UMB cấm thi đấu 1 năm (từ 27.8.2024 – 27.8.2025) tại các giải thuộc UMB và quốc gia của cơ thủ đó. Trước đó, những cơ thủ hàng đầu VN như Mã Minh Cẩm, Ngô Đình Nại, Nguyễn Quốc Nguyện, Nguyễn Đức Anh Chiến, Nguyễn Huỳnh Phương Linh đã bị UMB cấm vì chuyển hẳn sang chơi cho PBA.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lenh-cam-vo-ly-kim-ham-su-phat-trien-cua-billiards-viet-nam-185240918225320575.htm