Một số địa phương ở Trung Quốc cấm vàng mã trước tiết Thanh Minh, coi tín ngưỡng này là “mê tín từ thời phong kiến”, gây nhiều tranh cãi.
Giới chức thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, cuối tuần trước thông báo cấm sản xuất, buôn bán các loại tiền âm phủ, vàng mã bị coi là “mê tín từ thời phong kiến” trên toàn thành phố, nhằm thúc đẩy cải cách tín ngưỡng cúng bái văn minh, phù hợp với mục tiêu phòng chống ô nhiễm không khí của quốc gia.
Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt tiền hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Kèm lệnh cấm, giới chức Nam Thông cũng công bố Đề xuất Tảo mộ Văn minh, nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong tiết Thanh minh là “chân thành”.
“Hãy sử dụng những cách thức tưởng nhớ thân thiện môi trường hơn như đặt hoa, trồng cây, viết lời tưởng nhớ trực tuyến. Đó cũng là cách để tỏ lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên”, đề xuất của giới chức Nam Thông kêu gọi.
Lệnh cấm ở Nam Thông trở thành tâm điểm tin tức ở Trung Quốc, làm dấy lên phản ứng từ công chúng. Nhiều người chỉ trích cách tiếp cận của các quan chức Nam Thông “áp đặt” khi coi phong tục đốt vàng mã để tưởng nhớ tổ tiên là “mê tín”.
Giới chức Nam Thông cho biết thành phố đang thay đổi, nỗ lực xây dựng tín ngưỡng tâm linh văn minh, thân thiện môi trường theo luật pháp, dù chọn thời điểm tiết Thanh Minh để cấm có thể gây một số hiểu lầm.
Tại chợ Nam Thông, ông Nhậm, tiểu thương bán vàng mã, lo ngại lệnh cấm sẽ khiến ông và nhiều người mất việc. “Thờ cúng tổ tiên trong tiết Thanh Minh là điều quan trọng đối với người Trung Quốc. Mọi người tưởng nhớ tổ tiên theo những cách khác nhau. Tôi không hiểu được lệnh cấm áp đặt này”, ông nói.
“Đây là thứ mọi người cần nên chúng tôi bán. Bây giờ cấm bán, chúng tôi có thể làm gì đây?”, một tiểu thương bán vàng mã khác trong chợ tiếp lời.
Không chỉ riêng Nam Thông, nhiều địa phương khác ở Trung Quốc cũng đưa ra những lệnh cấm tương tự, trong đó có thành phố Lăng Nguyên, tỉnh Liêu Ninh, hay thành phố Nộn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, cấm đốt vàng mã ở nơi công cộng.
Trước tranh cãi, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng xã luận nhấn mạnh đốt vàng mã chỉ là một phần tín ngưỡng cúng bái của người dân, không phải “mê tín từ thời phong kiến” và không nên cấm đoán người dân vì lý do này. CCTV cho rằng các địa phương có thể đưa ra khuyến nghị, không nên dùng “mê tín” làm lý do để áp đặt lệnh cấm.
“Quản lý đô thị mang tính hệ thống cao, đòi hỏi luật pháp, quy định song hành với các phòng tục tập quán truyền thống và quan điểm phổ biến”, bài xã luận có đoạn.
Trong khi đó, Global Times, phụ bản của People’s Daily, không gọi đốt vàng mã là phong tục “mê tín” nhưng chỉ ra việc này tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn, đặc biệt ở vùng nông thôn nhiều cây cối. Người dân một số vùng Trung Quốc còn đốt pháo khi tảo mộ để “báo cho tổ tiên, xua đuổi tà ma”. Trong khi ở thành phố, nhiều người dân đốt vàng mã ngay trên đường phố, để lại tàn tro, khói bụi và rác thải. Những vụ hỏa hoạn do đốt vàng mã dịp tiết Thanh Minh không phải điều hiếm.
Tờ này cho rằng nên thúc đẩy cải cách các nghi lễ tín ngưỡng an toàn, đơn giản, “xanh” hơn cũng như tiết kiệm hơn. Nhiều địa phương khuyến khích người dân hải táng người đã khuất theo hình thức rải tro xuống biển. Một số nghĩa trang ở Bắc Kinh cung cấp miễn phí đồ cúng có thể hòa tan trong nước.
Đức Trung (Theo CNA, Global Times)