Theo tài liệu mới nhất về lệnh bao vây cấm vận chống Cuba đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, các biện pháp trừng phạt đã gây ra tổn thất 13 triệu USD mỗi ngày cho Nhà nước trong năm 2023.
Kinh tế Cuba đối mặt với nhiều thách thức. Đường phố Cuba. (Nguồn: The DeVoe Moore Center) |
Kết thúc năm 2023, hoạt động kinh tế của Cuba giảm sút, lạm phát cao hơn 30%, tình trạng thiếu nhiên liệu và nhu yếu phẩm tái diễn.
Khủng hoảng “bóp nghẹt” nền kinh tế
Bối cảnh càng trở nên trầm trọng hơn khi những tác hại do lệnh bao vây cấm vận mà Mỹ đơn phương áp đặt trong hơn 62 năm qua đã “bóp nghẹt” nền kinh tế của đảo quốc Caribe.
Chính phủ Cuba vào những ngày cuối tháng 12/2023 đã tuyên bố rằng năm 2024 sẽ thực hiện một loạt biện pháp nhằm “ổn định nền kinh tế”. Các biện pháp này bao gồm việc tăng giá dịch vụ và năng lượng, cắt giảm trợ cấp cho các lĩnh vực có mức tiêu thụ cao nhất và áp dụng tỷ giá hối đoái mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho biết, một trong những rủi ro lớn nhất là các biện pháp này sẽ làm tăng lạm phát, theo kiểu “hiệu ứng domino”.
Ví dụ, một trong những sản phẩm nhạy cảm nhất có mức tăng trong năm nay là nhiên liệu.
Chính phủ nước này nhập khẩu nhiên liệu và trợ cấp đáng kể cho người dân. Yếu tố này đóng vai trò thiết yếu trong việc cấu thành giá hàng hóa. Việc tăng giá nhiên liệu có thể tạo ra áp lực lạm phát lên giá cả các mặt hàng khác.
Song song với đó, chính phủ cố gắng bảo vệ những ngành và người lao động dễ bị tổn thương nhất nói chung. La Habana tuyên bố sẽ tăng lương cho người lao động trong ngành giáo dục và y tế, nhằm nỗ lực phục hồi một phần sức mua đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây.
Hầu hết các nhà kinh tế đều nhận thấy, Cuba cần có những điều chỉnh kinh tế cần thiết trong năm 2024 để thoát khỏi khủng hoảng, nhưng cần phải đối mặt với thách thức mà không dỡ bỏ các chính sách xã hội có từ năm 1959.
Chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Cuba Karina Cruz Simón cho hay, bốn năm qua đã cực kỳ phức tạp đối với nền kinh tế Cuba và 2024 cũng không phải là ngoại lệ.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, cuộc khủng hoảng mà đất nước đang phải gánh chịu là do nhiều yếu tố, một số yếu tố mang tính cơ cấu, một số khác chỉ là tạm thời, nhưng cũng có những vấn đề bên ngoài. Việc Mỹ cấm vận Cuba là một vấn đề lớn, nhưng không phải là vấn đề duy nhất.
“Tất cả những khó khăn mà Cuba đang trải qua đều trở nên trầm trọng hơn do lệnh bao vây cấm vận. Các biện pháp trừng phạt cản trở khả năng đảo quốc này thoát khỏi tình trạng hiện tại”, chuyên gia Karina Cruz Simón khẳng định.
Thách thức lớn nhất
Theo tài liệu mới nhất về lệnh bao vây cấm vận chống Cuba đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, các biện pháp trừng phạt đã gây ra tổn thất 13 triệu USD mỗi ngày cho Nhà nước trong năm 2023.
Chuyên gia Cruz Simón nhận định: “Cuba đang rơi vào tình trạng USD hóa một phần nền kinh tế, do không có thị trường trao đổi chính thức và một số nguyên nhân khác như không tiếp cận được tín dụng hoặc hệ thống tài chính quốc tế vì bị cấm vận”.
Hơn nữa, bà Cruz Simón cho rằng, đất nước gặp khủng hoảng trong trật tự sản xuất vì lý do cơ cấu nhưng cũng do quan điểm kinh tế vĩ mô.
“Với các biện pháp vừa công bố, Chính phủ Cuba đặt mục tiêu giảm thâm hụt tài chính cao và giảm lạm phát. Tuy nhiên, ngay cả khi những biện pháp này phát huy tác dụng, thâm hụt dự kiến vẫn sẽ ở mức hơn 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”, bà thông tin.
Song song với những khó khăn của cuộc khủng hoảng, Cuba đang trải qua những thay đổi sâu sắc về kinh tế và xã hội. Kể từ năm 2021, cuộc sống tại đảo quốc này đã trải qua một sự chuyển đổi nhanh chóng với sự tham gia của một khu vực kinh tế tư nhân mới gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặc dù những “thành phần kinh tế mới” này chủ yếu hiện diện ở thủ đô La Habana – diện mạo của nhiều thành phố chính của đất nước đang thay đổi khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ này phát triển mạnh mẽ.
Ông Joel Marill, thành viên Ban chỉ đạo Dự báo và Điều phối Kinh tế Vĩ mô của Bộ Kinh tế Cuba, dẫn báo cáo chính thức mới nhất cho biết nước này hiện có có hơn 10.000 công ty tư nhân vừa và nhỏ kể từ khi mô hình này được cấp phép năm 2021, thời điểm Cuba thông qua cái gọi là Đường lối Cập nhật Mô hình Kinh tế. Ước tính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng hơn 260.000 nhân công, chiếm khoảng 18% dân số hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, số lao động còn lại vẫn được tuyển dụng theo các phương thức khác nhau vào khu vực nhà nước.
Ông Marill đánh giá, hiện nay Cuba có nền kinh tế đa dạng hơn rất nhiều về chủ thể kinh tế, tác nhân và hình thức sở hữu. Tuy nhiên, khu vực nhà nước vẫn chiếm ưu thế.
Một phần các cuộc thảo luận hiện nay ở Cuba là về tương lai của mô hình kinh tế tập trung vào số phận của khu vực kinh tế tư nhân non trẻ và mối liên quan của nhóm này với dự án xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những quan điểm còn khác biệt, phần lớn các nhà quan sát nhất trí rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực quan trọng của nền kinh tế Cuba.
Giữa cuộc khủng hoảng thiếu hụt mà đảo quốc này đang đối mặt, khu vực kinh tế tư nhân đã cố gắng tăng nguồn cung hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, hầu như thông qua nhập khẩu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tạo ra nhiều việc làm mới, giúp giảm gánh nặng cho khu vực nhà nước.
Các chuyên gia cũng nhận thấy, thách thức lớn của chính phủ Cuba trong năm 2024 là tạo ra mức độ liên kết cao hơn giữa khu vực kinh tế tư nhân mới nổi và khu vực nhà nước.
Để đạt được mục tiêu này, Cuba đã có kế hoạch thành lập một viện nhằm liên kết sự tăng trưởng của khu vực kinh tế này với nhu cầu phát triển ở từng địa phương của đất nước.
Chuyên gia phân tích kinh tế Karina Cruz Simón nêu bật tầm quan trọng của việc thực hiện những điều chỉnh, sửa đổi và thậm chí một số cập nhật nhất định, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cách liên kết khu vực tư nhân mới nổi lên rất mạnh mẽ trong những năm gần đây với khu vực doanh nghiệp nhà nước vốn giữ vai trò truyền thống trong nền kinh tế Cuba.
(theo TTXVN)