Ngày 9/9 là hạn cuối cùng các Sở GD&ĐT gửi ý kiến về Bộ GD&ĐT về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018).
Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Sớm định hướng tuyển sinh, tăng áp lực từ từ. |
Lên phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ sẽ tổng hợp, phân tích để đề xuất phương án hợp lý báo cáo Thường trực Chính phủ trước khi công bố chính thức dự kiến vào quý IV năm nay.
Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết thêm, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức kỳ thi bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi.
Tăng áp lực từ từ
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, cần nhìn nhận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu đưa vào triển khai ở cấp THPT từ năm học 2022-2023 và năm 2025 lứa học sinh THPT đầu tiên tốt nghiệp.
Với dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT, ông Thảo bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án thi 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn thí sinh lựa chọn học ở THPT. Theo đó, phù hợp với tuyên bố chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT 2018, đồng thời cơ bản ổn định so với phương án thi hiện nay. Học sinh và phụ huynh đều mong muốn ổn định cách thức kiểm tra, đánh giá người học.
Còn theo Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình, năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo chương trình GDPT mới thì cấu trúc đề thi, thang đánh giá (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) phải ở mức độ vừa phải.
Đến năm 2028, khi có lứa học sinh học đầu tiên học theo chương trình mới từ bậc THCS mới nên tăng dần mức độ với các phần thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Đến năm 2030, khi có học sinh tiếp cận chương trình mới từ bậc tiểu học thì chúng ta sẽ tiếp tục nâng mức thang đánh giá này.
Các trường đại học cần sớm định hướng tuyển sinh từ năm 2025
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của các đại học, học viện là cần sớm định hướng tuyển sinh đại học từ năm 2025, khi có thí sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ lưu ý các cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Các cơ sở đào tạo cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học và trong kiểm tra, đánh giá.
Thời điểm này, hầu hết cơ sở đào tạo đại học trên cả nước đã cơ bản hoàn thành công tác tuyển sinh đợt 1 năm 2023 và đang tổ chức cho thí sinh nhập học, chuẩn bị khai giảng năm học mới 2023-2024.