(Dân trí) – Mùa xuân là dịp các loài hoa đặc hữu tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) đua nhau khoe sắc, thu hút đông đảo du khách tham quan, thưởng lãm.
Vườn Quốc gia Bạch Mã có tổng diện tích tự nhiên hơn 37.400ha, nằm trên địa bàn của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Đỉnh Bạch Mã có độ cao 1.444m so với mặt nước biển, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bốn mùa xanh tươi, với thác nước, dòng suối thơ mộng…
Mùa xuân là thời điểm nhiều loài cây đặc hữu trên khu rừng này đua nhau nở hoa khoe sắc, nhất là hoa đỗ quyên, lan Vanilla Schenzenica… Đây cũng là khoảng thời gian Bạch Mã có nhiều sương mù bao phủ, tạo thành “ngọn núi ảo”, thu hút đông đảo du khách tham quan (Ảnh: Vũ Linh).
Những ngày qua có hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước tham quan vườn Quốc gia Bạch Mã.
Theo ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc vườn Quốc gia Bạch Mã, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng du khách đến với Vườn tăng đáng kể, nhất là khách nước ngoài. Số liệu thống kê từ ngày 1/1 đến 19/2, vườn Quốc gia Bạch Mã đón hơn 1.400 khách tham quan, trong đó có 681 khách nước ngoài (Ảnh: Vi Thảo).
Nhiều du khách cho biết, họ lựa chọn tham quan Bạch mã vì nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, khí hậu mát mẻ, trong lành (Ảnh: Vi Thảo).
Là người phát hiện ra loài hoa thu hải đường Bạch Mã vào năm 2016, khi đang là sinh viên năm cuối ở Huế, Thạc sĩ Phạm Thị Thành Đạt (người đeo kính đứng giữa ảnh) cũng là người công bố loài hoa Lan Vanilla Schenzenica được phát hiện trên đỉnh núi này.
Chị Đạt cho biết, sở dĩ phải lấy tên Vanilla Schenzenica vì trước đó ở Trung Quốc cũng phát hiện và công bố loài hoa này.
Loài này chỉ mới ghi nhận ở Hồng Kông, Quảng Đông (Trung Quốc) và Vườn Quốc gia Bạch Mã. Đợt này, chị Đạt quay lại đây để thực hiện việc thụ phấn cho lan Vanilla Schenzenica (Ảnh: Vi Thảo).
Theo Thạc sĩ Đạt, lan Vanilla Schenzenica là một loài phong lan thuộc chi Vanilla, họ lan. Thân cây có dạng dây leo, đường kính thân 7-8mm, nhiều lá có phiến dày hình elip.
Hoa thường nở vào mùa xuân, độ tháng 2-3 hàng năm, hoa có mùi thơm dịu nhẹ, màu vàng nhạt, có 5 cánh phụ ở ngoài và 1 cánh chính dạng bầu.
Năm 2023, cây lan Vanilla Schenzenica được phát hiện ở đường dẫn xuống thác Đỗ Quyên đã đậu được 15 quả sau quá trình thụ phấn, trong đó quả dài nhất có kích thước 19cm (Ảnh: Vi Thảo).
Một trong những loài hoa được chú ý nhất và có số lượng khá nhiều trên đỉnh Bạch Mã là hoa đỗ quyên. Loài hoa này chỉ nở một lần vào mùa xuân.
Ngoài loài đỗ quyên đỏ thường gặp và phân bố rộng từ vùng lõi ra đến vùng đệm của vườn Quốc gia này, trên đỉnh núi còn có các loài đỗ quyên hiếm thấy như đỗ quyên chuông trắng điểm hồng, đỗ quyên chuông trắng, đỗ quyên sim … (Ảnh: Vi Thảo – Vũ Linh).
Cùng với công tác bảo vệ rừng, phát triển sinh vật, đón khách tham quan,… Vườn Quốc gia Bạch Mã còn được giao nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học, cứu hộ các loại động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Nguyễn Vũ Linh cho biết, tháng 11/2023, Dự án cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Bạch Mã đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Trung tâm này hiện đã tiếp nhận, chăm sóc nhân đạo cho 6 cá thể gấu.
Trong ngày 26/2, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã tiến hành thả về tự nhiên 1 cá thể gà lôi trắng, quý hiếm thuộc nhóm IB, số lượng ngoài tự nhiên không còn nhiều, nguy cơ trùng huyết cũng như sự đa dạng về nguồn gen không cao. Đồng thời, thả 1 cá thể khỉ mặt đỏ, thuộc nhóm IIB, có trọng lượng 4,5kg do người dân tự nguyện giao nộp (Ảnh: Vi Thảo).
Dantri.com.vn