Khi đã dùng hết kênh tuyển dụng mà vẫn chưa có ứng viên
“Ai cũng nghĩ mình hẳn là phải tuyệt vọng lắm mới tìm đến Tinder” – anh Hưng Huỳnh (26 tuổi, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cười khi được hỏi vì sao lại nhen nhóm ý tưởng tuyển dụng trên một ứng dụng hẹn hò.
Hiện là chuyên viên nhân sự cho một công ty về công nghệ, anh Hưng kể: “Đợt đó tôi đăng trên phần bio (mô tả bản thân – PV) nội dung tuyển nhân viên bán hàng và nhân viên marketing, nhưng kết quả không như ý lắm. Tôi nhận được nhiều lời đề nghị về các mối quan hệ cá nhân hơn là công việc”.
Cũng theo anh Hưng, việc sử dụng Tinder (một ứng dụng hẹn hò phổ biến) như một kênh tuyển dụng nhân sự có hiệu quả hay không cũng còn tùy thuộc vào đặc thù của ngành. Đối với những ngành nghề yêu cầu sự sáng tạo, trẻ trung hoặc công việc hành chính đơn giản, vẫn có thể tìm được ứng viên tốt trên Tinder.
Ngược lại, những ngành thiên về kỹ thuật, công trình, yêu cầu chuyên môn sâu hoặc các vị trí cao cấp hơn thì sẽ khó vì “những ngành đó mình thấy có vẻ họ ít dùng Tinder và các app hẹn hò!”, anh Hưng nói.
Việc “bắt” được ứng viên phù hợp trên các ứng dụng hẹn hò không phải dễ, nhưng không có nghĩa là “tuyệt vọng”.
“Mình từng lập tài khoản Tinder để tuyển dụng. Lúc đó mình ra quán cà phê gần các công ty IT, ngồi ở đó 3 tiếng, quẹt tòe tay thì ‘match’ (tương hợp – PV) được với 23 anh lập trình viên đủ các thể loại ngôn ngữ. Mình nói chuyện thì có 12 anh gửi CV (sơ yếu lý lịch – PV), sau đó 8 anh nhận việc và đi làm” – Facebook V.L. Nguyen chia sẻ trải nghiệm thú vị của mình trên một nhóm Facebook.
Cũng theo bạn này, chính nhờ vào “năng suất” tuyển dụng may mắn vượt xa KPI nên tháng đó tiền hoa hồng bạn nhận được đủ để sống như một… bà hoàng.
Giới thiệu công ty, mở rộng vòng kết nối
Với tâm thế thoải mái hơn khi dùng app hẹn hò cho mục tiêu công việc, anh Nguyễn Lê Trung (27 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) chia sẻ: “Người làm nhân sự phải thức thời. Đa phần người dùng các ứng dụng hẹn hò là những người trẻ. Trên thực tế, những người trẻ đó cần tình yêu và cũng cần có công việc nữa”.
Anh Trung cũng cho biết mình từng tuyển dụng được nhiều nhân viên bán hàng làm việc cho lĩnh vực bất động sản trên Tinder. Song, anh vẫn có kế hoạch và phân bổ chi phí cho các kênh tuyển dụng chính thống.
“Đối với các app hẹn hò, chủ yếu PR một chút tạo sự tò mò, những ai đang cần tìm việc thì sẽ quan tâm thêm”, anh Trung giải thích.
Không chỉ Tinder mà một số ứng dụng hẹn hò khác như Facebook Dating, Bumble… cũng được các HR trẻ “xâm lấn” sang để tạo vòng kết nối giữa nhà tuyển dụng và những người dùng đang cần việc.
“Công việc này mình tìm được trên Facebook Dating. Năm ngoái khi vừa nghỉ việc, khá rảnh rỗi nên mình lên đây tìm bạn nói chuyện giải khuây, tình cờ lướt thấy bạn kia đang tuyển nhân viên lễ tân nên mình quẹt thử, trò chuyện một lúc thấy công việc cũng phù hợp nên mình hẹn ngày phỏng vấn rồi đi làm luôn”, bạn Lâm Huỳnh Như (20 tuổi, ngụ TP Thuận An, Bình Dương) kể.
Bày tỏ ý kiến về việc các bạn HR trẻ “tràn” qua các app hẹn hò để đăng tin tuyển dụng, chị Lê Thị Mỹ Chi (32 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) với kinh nghiệm công tác hơn 10 năm trong lĩnh vực nhân sự ngạc nhiên:
“Ý tưởng này thật táo bạo! Tuy nhiên, mỗi nền tảng được lập ra với mục đích khác nhau, nên khi dùng các app hẹn hò để tuyển dụng không khéo sẽ vi phạm các nguyên tắc cộng đồng của nền tảng”.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng và tìm việc làm trên các app hẹn hò cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi người dùng chưa xác thực danh tính, thậm chí có trường hợp sẵn sàng cung cấp thông tin sai lệch để tung các chiêu lừa đảo, tạo nên vòng kết nối xã hội kém an toàn cho cả đời sống cá nhân lẫn công việc.