Mùa hoa Ban Tây Bắc |
Theo phong tục của người dân tộc Thái, xưa kia, hội hoa ban là ngày hội lớn nhất vùng Tây Bắc. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày trẩy hội hoa ban, các chàng trai, cô gái Thái lại có dịp gặp nhau, hò hẹn, tâm tình. Thế nên, từ ngàn đời nay, đồng bào dân tộc Thái coi hoa ban là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, là hoa của ước mơ, trường thọ.
Điện Biên Phủ ngập tràn sắc trắng hoa ban
Năm nay, Lễ hội Hoa ban và Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VIII được tổ chức từ ngày 13-3, trùng với ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ và kết thúc vào ngày
16-3. với nhiều hoạt động như: Cuộc thi Người đẹp Hoa ban, diễu hành đường phố, giới thiệu huyền tích, lịch sử và các vũ điệu dân gian đặc sắc, văn hóa dân gian dân tộc Thái…
Đã nhiều lần đến Điện Biên, trong đó lần đầu tiên tôi đến miền đất làm nên “vành hoa trắng trang sử vàng” này là dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cách nay đã hơn 20 năm. Lúc ấy, tôi cũng lần đầu nhìn thấy vài cây hoa ban cuối mùa vẫn trổ bông trắng xóa thấp thoáng bên triền đèo Pha Đin, Đồi A1, Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ cùng vài cây ban cổ thụ ở Mường Phăng.
Lần kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi có dịp trở lại đây thì biết hoa ban được trồng nhiều ở Đồi A1. Những lần sau nữa vào các thời điểm khác nhau, nên tôi hầu như quên loài hoa tiêu biểu của núi rừng Tây Bắc này, dù không ít lần vào bản thưởng thức món gỏi hoa ban, cá nướng, rượu chít và liều mạng nắm tay quơ chân xòe cùng mấy cô gái Thái điệu đàng cài hoa ban trên mái tóc dài óng ả...
Đứng trên cột mốc số 0 nhìn xuống xã Xín Thầu thấy nhiều khoảnh trắng tinh trắng muốt của hoa ban đang mùa nở rộ. |
Lần trở lại vào giữa tháng 3 này, tôi thật sự ấn tượng với một Điện Biên gần như được bao phủ và tràn ngập sắc trắng hoa ban. Ban không chỉ được trồng dọc các tuyến đường trong thành phố và đoạn quốc lộ 279 mà hầu như khắp các điểm di tích lịch sử như: tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, kể cả khu vực Hầm Đờ Cat đều thấy hoa ban trắng rực rỡ.
Giới nhiếp ảnh, người dân địa phương cho biết, hàng ban trồng tại công viên nước Hoa Ban ở phường Noong Bua là điểm “check in” thu hút nhất năm nay trong thành phố Điện Biên Phủ. Đoạn đường từ thành phố đi huyện Mường Ảng và Mường Chà, khu vực quảng trường thị xã Mường Lay cũng là những điểm hoa ban nở đẹp. Điều khá bất ngờ là lần này lên Điện Biên, tôi mới biết ở tỉnh được mệnh danh là xứ sở hoa ban Tây Bắc này còn có những vùng ban có tuổi đời lên đến hàng 30 năm như: rừng hoa ban bản Du O ở xã Nong U, huyện Điện Biên Đông; thung lũng ban cổ bản Chiêu Ly thuộc xã Sa Lông, huyện Mường Chà với khoảng 5 ngàn cây. Đặc biệt hơn cả là một khu vực tập trung 1.200 cây hoa ban cổ thụ ở bản Nậm Cúm, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng tạo ra cảnh quan thiên nhiên đẹp như thế giới cổ tích.
Trong thành phố Điện Biên Phủ, tôi khá ấn tượng với hàng hoa ban trắng phớt hồng được trồng dọc theo bờ sông Mường Thanh, tạo ra sắc màu mới lạ. Cũng như sau đó, tôi lại ngỡ ngàng trước màu trắng phớt tím của hàng hoa ban trồng dài hàng cây số trên đèo Ban (quốc lộ 37) ở vùng Mường Côi.
Nhà báo Bùi Thuận tại A Pa Chải (huyện Mường Mé, tỉnh Điện Biên). |
Qua nghiên cứu, tôi biết hoa ban trắng tinh khôi, hoa ban trắng phớt hồng, phớt tím đều thuộc họ Đậu với tên khoa học là Bauhinia variegata, thường rụng lá vào mùa khô và đồng loạt nở hoa vào
tháng 3, được gọi chung là hoa ban Tây Bắc. Khác với một loài hoa được gọi là hoa ban đỏ, mà người miền Nam gọi là lan hoàng hậu hay bông móng bò do có lá hình trái tim và giống với móng bò, hoa đỏ lá xanh quanh năm thuộc họ Diệp (Caesalpiniaceae) với tên khoa học là Baccaurea sapida.
Cột mốc số 0 A Pa Chải
Mấy năm gần đây, A Pa Chải không còn lạ gì với dân phượt, dân du lịch bụi ưa thích khám phá. A Pa Chải là bản nhỏ của người Hà Nhì được xác định là điểm cực Tây của nước ta; đồng thời cũng là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc.
Giới lữ hành cho rằng lên A Pa Chải không cần phải săn mây mà mây tự ùa đến mỗi khi rẽ qua một khúc cua; nhưng đây là điểm đến xa xôi và vất vả nhất trong 4 “điểm cực” của Việt Nam và mệnh danh A Pa Chải là “Trường Sa trên đất liền”. Đường từ thành phố Điện Biên Phủ đến huyện lỵ Mường Nhé dài hơn 200km, từ Mường Nhé vào A Pa Chải hơn 60km tuy có hơi xa. Trước đây phải mất 10 ngày ròng để đi bộ từ Mường Nhé lên A Pa Chải, nay thì xe ô tô chở vào tận nơi. Nhưng gian nan nhất là đoạn đường từ A Pa Chải lên cột mốc số 0. Ai đã đến được A Pa Chải đều muốn được đặt chân lên đỉnh cao 1.864m nằm trên ngọn Khoan La San thuộc dãy núi Pu Đen Đinh mù xa của Tổ quốc với niềm tự hào, hứng thú.
Có tài liệu khoa học nêu: “Số 0 được coi là một trong những khám phá vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Khái niệm về số 0 là phát minh của người Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VII. Giới nghiên cứu cho rằng, nhiều nền văn minh cổ đại đã sử dụng số 0 như “vật giữ chỗ”, tức là biểu tượng để đại diện cho một thứ gì đó không hiện hữu, nhưng có thể tồn tại sau đó. Chính vì thế, mốc số 0 đã được dùng để đánh dấu điểm đầu tiên để phân định biên giới giữa các quốc gia và điểm gốc của một lý trình. Việt Nam có 2 cột mốc số 0, một là cột mốc A Pa Chải nằm tại “ngã ba biên giới” Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Còn một là cột mốc số 0 ở “ngã ba Đông Dương” Việt Nam - Lào - Campuchia tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Cả hai cột mốc số 0 này đều thực ra không đánh số, nhưng đều được gọi là mốc số 0, làm điểm khởi đầu cho các cột mốc tiếp theo. Nhờ tính chất đặc biệt và đặc thù như thế, cả hai cột mốc số 0 này đều có vị trí quan trọng trong tâm thức của người Việt Nam, bởi không chỉ đánh dấu điểm phân chia cương vực, lãnh thổ về mặt địa lý mà còn ở khía cạnh lịch sử dân tộc và tình yêu quê hương đất nước”.
Trước đây, đoạn đường xuyên rừng dài khoảng 11km từ Đồn Biên phòng A Pa Chải lên cột mốc số 0 mất một ngày cho việc cả đi và về. Nay có đường tuần tra biên giới, đường đi bộ tráng xi măng dài khoảng 8km, chạy mô tô , xe máy số 2 hoặc 1 len lách qua các hẻm hóc đồi đất đá gồ ghề chỉ mất khoảng 2 giờ.
Để đặt chân lên được cột mốc số 0, còn phải đi bộ vượt qua 541 bậc tam cấp được xây bằng đá granit có bề rộng 1,5m với 29 chiếu nghỉ hẳn hoi. Ai cũng toát cả mồ hôi, dù khí trời ở vùng này rất là mát mẻ. Mãi đến khi đứng bên cạnh cột mốc cao 2m có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng quốc ngữ và quốc huy riêng, tôi và những người bạn đồng hành vừa thở hổn hển vừa không nén được niềm tự hào. Cùng lúc nhận ra chúng tôi là “những ông già đi chiến đấu” vì đông đảo chung quanh chỉ toàn là giới trẻ. Họ nô nức vây quanh cột mốc để chụp hình với lá quốc kỳ phất phới vung cao.
Bùi Thuận
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/len-a-pa-chai-mua-hoa-ban-a862f10/
Bình luận (0)