Không hiếm cầu thủ bước lên sân chơi chuyên nghiệp từ phong trào bóng đá sinh viên, hai trong số những người nổi tiếng nhất là cựu hậu vệ Trần Công Minh và cựu tiền vệ Lee Nguyễn.
HLV Trần Công Minh, cựu đội trưởng đội tuyển Việt Nam có lần chia sẻ: “Nếu ngày đó các anh ở đội Đồng Tháp (một đội rất mạnh của bóng đá Việt Nam hồi cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990) không mấy lần gọi tôi lên đội một Đồng Tháp, có lẽ giờ tôi đã là ông giáo làng nào đấy, dạy môn thể dục”.
Ông Trần Công Minh lúc đó đang theo học năm thứ 2 trường Cao Đẳng Sư phạm Đồng Tháp, khoa Giáo dục thể chất. Để rồi ông Trần Công Minh rẽ ngang theo nghiệp cầu thủ nhà nghề.
Cũng theo ông Trần Công Minh tiết lộ, ông chưa hề trải qua các lớp đào tạo bóng đá quy củ nào cả, từ khi còn là một cậu thiếu niên, cho đến lúc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Vậy mà cầu thủ xuất thân từ màu áo sinh viên Trần Công Minh sau này trở thành hậu vệ phải số một của bóng đá Việt Nam, giai đoạn từ năm 1995 – 2000.
Trong giai đoạn nói trên, ông Trần Công Minh nhiều lần mang băng đội trưởng của đội tuyển quốc gia, thời “thế hệ vàng” của các cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Hữu Thắng…
Một cầu thủ khác gốc Việt, cũng xuất thân từ phong trào bóng đá sinh viên, đó là Lee Nguyễn. Năm 2005, khi 19 tuổi, Lee Nguyễn chơi bóng cho đội Đại học Indiana, trở thành cầu thủ sinh viên hay nhất nước Mỹ năm đó.
Sau này, Lee Nguyễn từng được gọi lên đội tuyển Mỹ, từng được khoác áo đội bóng này tham dự Copa America 2007. Tại giải đấu này, Lee Nguyễn có 2 lần được ra sân từ băng ghế dự bị ở các trận đấu với Paraguay và Colombia. Cho đến nay, Lee Nguyễn được đánh giá là một trong những cầu thủ gốc Việt hay nhất.
Ngoài Lee Nguyễn và Trần Công Minh, cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam là Nguyễn Ngọc Thanh (từng khoác áo CLB Hải Phòng, Ngân Hàng Đông Á) và cựu trung vệ Lưu Ngọc Hùng (cựu cầu thủ của Cảng Sài Gòn, Bình Dương, Ninh Bình) cũng là những người xuất thân từ phong trào bóng đá sinh viên. Ngọc Thanh và Ngọc Hùng đều từng học tại trường Đại học Hutech TP.HCM.
Trên bình diện thế giới, cũng có không ít cầu thủ nổi danh từng là sinh viên đại học. Số này đáng kể có siêu sao Socrates (Brazil), một cựu sinh viên Y khoa, khoác áo đội tuyển Brazil tham dự World Cup 1982 và 1986. Sau khi giải nghệ, Socrates quay lại với nghề bác sĩ và theo đuổi nghề này cho đến khi qua đời năm 2011 ở tuổi 57.
Nhà vô địch EURO 1996, cựu tiền đạo hàng đầu của đội tuyển Đức Oliver Bierhoff từng theo học ngành Kinh tế tại Đại học Hagen (Đức). Bierhoff tốt nghiệp năm 2002.
Còn nhiều ví dụ khác nữa, cho thấy các cầu thủ sinh viên hoàn toàn có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp khi có cơ duyên. Đồng thời, các cầu thủ sinh viên vẫn có thể vẹn toàn cả hai con đường cùng lúc, cả con đường bóng đá, lẫn việc theo đuổi chuyên ngành được đào tạo trên giảng đường đại học.
Giải bóng đá Thanh Niên sinh viên Việt Nam vì thế là nơi chắp cánh cho ước mơ thành danh, là cầu nối để các cầu thủ sinh viên bước lên sân chơi chuyên nghiệp. Đây là nơi có thể giúp các cầu thủ sinh viên nối bước các bậc đàn anh, thành công trọn vẹn ở cả con đường học vấn lẫn sự nghiệp thi đấu thể thao.