Tham dự chương trình có nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam… đại diện lãnh đạo các đoàn thể, các ban, đơn vị chuyên môn Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh thành phố và đặc biệt là 17 đồng chí là biên tập viên, phóng viên cơ quan báo chí các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu sẽ là những người làm báo vinh dự nhận thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong dịp này.
Đây là sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, chính phủ về ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947- 20/5/2023), kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950- 21/4/2023) và kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).
Tại buổi lễ, đoàn đã đến thăm và dâng hương tại Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc. Các đại biểu đã dành thời gian ôn lại truyền thống xây dựng, trưởng thành của Hội Nhà báo Việt Nam; thăm Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam, nơi lưu giữ những kỷ vật, bức ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội qua các thời kỳ từ khi thành lập đến nay.
Phát biểu đề dẫn tại sự kiện, đồng chí Trần Thị Hương Giang, Phó Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Ngay sau Cách mạng tháng Tám, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Bộ Thông tin Tuyên truyền…) được thành lập và ngày 27/12/1945, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời.
Công việc chuẩn bị để lập ra một Hội nhà báo chính thức đang được đẩy mạnh thì chiến tranh xảy đến bởi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Đội ngũ nhà báo Việt Nam đã đông đảo hơn, phần lớn đi tham gia kháng chiến và Đoàn Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam. Báo chí Cách mạng được bổ sung lực lượng và phương tiện mới; hệ thống thông tin – báo chí đa dạng hình thành.
Việt Bắc trở thành một cái nôi của báo chí kháng chiến với các báo Sự thật, Cứu quốc, Nhân Dân, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam… Các lực lượng vũ trang đều có báo riêng. Các khu, tỉnh cũng đều có báo hoặc bản tin, nội san của mình. Nam Bộ hình thành mạng lưới báo, đài phát thanh hoạt động tại nhiều địa phương do Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp phụ trách.
Ngày 4/4/1949, tại Việt Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam đã khai giảng Trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, khóa học đầu tiên và duy nhất gồm 42 học viên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp và trong lịch sử báo chí nước ta.
Đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa – Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.
Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt. Các báo thành lập chi hội, người làm báo ở cơ quan nào thì tham gia chi hội cơ quan ấy. Sinh hoạt chủ yếu của các chi hội là thảo luận những vấn đề nghiệp vụ, bồi dưỡng trình độ nghề nghiệp qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Và ngày hôm nay, sau hơn 73 năm thành lập và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam hiện có 24.242 hội viên nhà báo, sinh hoạt tại 301 đơn vị cấp Hội (63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội, 218 Chi hội trực thuộc; trong đó, có 17 hội viên, nhà báo các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ tham gia chương trình Về nguồn do Văn phòng Trung ương Hội tổ chức nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Cũng tại buổi lễ, đồng chí Vũ Thị Hà, Trưởng Ban Công tác Hội (Hội Nhà báo Việt Nam) đã công bố các Quyết định của Hội Nhà báo Việt Nam về việc trao thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2021 – 2026 cho 17 nhà báo các tỉnh thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Đây là sự kiện tuy quy mô không lớn, số lượng phóng viên nhà báo không đông nhưng là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, được tổ chức vào dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nơi có ý nghĩa lịch sử đối với những người làm báo Việt Nam, cách đây 73 năm chính nơi đây ngày 21/4/1950, Đại hội đầu tiên của những người làm báo Việt Nam đã thành lập Hội những người viết báo Việt Nam nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Đây có thể nói là mảnh đất thiêng của những người làm báo, đây là một cái nôi của những người làm báo cách mạng, là cội nguồn gốc rễ của người làm báo Việt Nam.
Điều này mang một ý niệm thật sự đặc biệt và hơn nữa Hội Nhà báo Việt Nam trao thẻ hội viên cho người làm báo, công tác trong các cơ quan báo chí truyền thông ở một số tỉnh miền Nam, nơi xa nhất của tổ quốc. Nhiều người lần đầu tiên về với Thủ đô kháng chiến, với hành trình về nguồn, đặc biệt là ở một nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam. Vì thế buổi lễ trao thẻ hôm nay càng có ý nghĩa đặc biệt hơn.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: “Đối với những phóng viên trẻ được trao thẻ hội viên nhà báo lần này được coi là dấu mốc, một kỷ niệm khó quên, họ sẽ mang dấu ấn này trong suốt hành trình làm nghề của mình. Tôi mong muốn đây sẽ là động lực để mỗi người làm báo tiếp tục pháp huy truyền thống của những người làm báo cách mạng Việt Nam, tiếp tục học tập những nhà báo đi trước, giữ gìn và phát huy những giá trị của cha ông, tiếp tục đóng góp vào cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam”.