Nhiều đại học làm lễ tốt nghiệp hoành tráng ở không gian lớn, song cũng có trường đơn giản, sinh viên chỉ lên ký nhận bằng rồi về, theo các du học sinh Việt.
Lễ tốt nghiệp của các đại học trên thế giới diễn ra vào các thời điểm khác nhau trong năm, thường từ tháng 3 đến tháng 5, một số vào tháng 12.
Sự kiện có thể chung cho các bậc học, từ cử nhân tới tiến sĩ, cũng có thể tách riêng với các nghi thức và hoạt động khác nhau. Sinh viên thường được thông báo trước 2-4 tháng để đăng ký.
Theo nhiều du học sinh Việt Nam, tùy quy mô, điều kiện của trường, buổi lễ này có thể diễn ra tại hội trường, phòng học của khoa, nhà thể chất hay ở ngoài trời…
Tại Mỹ, Đỗ Tuấn Anh cho biết lễ tốt nghiệp thạc sĩ trường Khoa học ứng dụng và Kỹ thuật, thuộc Đại học George Washington (GWU), của anh diễn ra hồi tháng 5/2023, với hai sự kiện.
Đầu tiên, anh cùng gần 1.000 học viên trường Khoa học được trao bằng tại hội trường của GWU. Đây vừa là sân thi đấu bóng rổ, vừa tổ chức sự kiện lớn, với sức chứa 5.000 người.
Hai hôm sau, lễ chính cho sinh viên tất cả trường thành viên của GWU diễn ra ở Đài tưởng niệm Washington, gần nhiều công trình nổi tiếng như Nhà Trắng, tòa nhà quốc hội…
Cả hai buổi đều có nghi lễ diễu hành của thầy cô, hát quốc ca, phát biểu của hiệu trưởng, sinh viên tiêu biểu và khách mời. Trước đó vài tháng, trường tổ chức cuộc thi để chọn ra bài phát biểu và người hát quốc ca cho sự kiện này.
Anh Tuấn Anh nhớ nhất khi được đọc tên lên nhận bằng. Do anh đăng ký tên tiếng Việt nên các thầy cô phải cố gắng đọc chính xác nhất.
“Nghe tên vang lên, tôi cảm thấy tự hào với thành quả của mình”, anh kể.
Anh Tuấn Anh cho biết nhiều trường ở Mỹ mời người nổi tiếng là CEO, diễn viên, ca sĩ, doanh nhân… tới phát biểu truyền cảm hứng trong lễ tốt nghiệp. Năm ngoái, Đại học American (AU), một trong những trường tư thục lâu đời nhất Mỹ, đã mời được Adena Friedman, CEO của sàn chứng khoán Nasdaq.
Phùng Tú Nhi, cựu sinh viên trường Kinh doanh Kogod, thuộc AU, kể bà Adena chia sẻ trong 20 phút về con đường sự nghiệp của bản thân và động viên thế hệ trẻ dám chấp nhận thử thách.
“Trường chuẩn bị chỉn chu đáo cho buổi lễ. Từ 2-3 tháng trước, sinh viên được đăng ký tối đa 6 người tham dự và thu âm cách đọc tên tiếng Việt…”, Nhi nhớ lại.
Ở Pháp, lễ tốt nghiệp của các trường cũng được tổ chức khác nhau.
Bùi Hồng Hiếu, tốt nghiệp ngành Xây dựng, Học viện Khoa học ứng dụng Quốc gia Lyon (INSA Lyon), bất ngờ vì lễ tốt nghiệp hồi tháng 3 như một cuộc họp lớp. Buổi lễ diễn ra tại giảng đường của khoa, với khoảng 200 người, gồm sinh viên và người nhà. Sau phát biểu của trưởng khoa, 70 sinh viên lần lượt lên chia sẻ về công việc, dự định và những kỷ niệm đáng nhớ khi còn đi học.
“Tối hôm đó, trường tổ chức ở hội trường lớn hơn, với các tiết mục nghệ thuật do sinh viên biểu diễn”, Hiếu kể.
Trong khi đó, Lê Thị Phương Khanh, thạc sĩ ngành Kinh tế Quản lý tại Paris Saclay Université, cho hay trường tổ chức lễ tốt nghiệp tại hội trường Palais de Congrès Versailles, gần lâu đài Versailles.
“Đó là một tòa nhà lớn, lộng lẫy, với kiến trúc Pháp đặc trưng. Không gian trang trọng khiến sinh viên cảm thấy được trân trọng sau nhiều năm học”, Khanh chia sẻ.
Cô cho hay trường mời cả dàn nhạc tới biểu diễn. Trước đó, sinh viên được tặng quà lưu niệm như sổ ghi chép và khăn choàng in logo trường.
Theo PGS.TS Trần Lê Hưng, trường Kỹ sư Paris (EIVP), nước này có ba hệ trường: trường công lập (đại học), trường lớn (grande école – mô hình đặc thù để đào tạo chuyên gia) và trường tư (hay còn gọi là trường quốc tế).
Hơn 15 năm học tập ở Pháp, anh Hưng quan sát thấy các trường công tổ chức lễ tốt nghiệp đơn giản. Có trường còn không tổ chức với bậc cử nhân, sinh viên chỉ đến ký nhận bằng rồi về, thậm chí bằng được gửi qua bưu điện cho những ai ở xa.
Với hệ trường lớn, số lượng sinh viên khá ít, được chọn lọc, và thường trực thuộc một cơ quan chính phủ thì lễ tốt nghiệp được tổ chức khá to, có sự xuất hiện của đại diện các cơ quan, ban lãnh đạo trường. Ví dụ trường Kỹ sư Paris tổ chức lễ trao bằng hằng năm tại tòa thị chính thủ đô, do trường trực thuộc Ville de Paris. Trong khi ở nhiều trường tư, buổi lễ này rất hoành tráng.
“Ngoài ra, ở đa số trường, sinh viên tốt nghiệp không mặc đồng phục như ở Anh, Mỹ, Australia hay Việt Nam mà mặc vest bình thường, gần đây mới có việc gọi tên từng người lên nhận bằng sau lời phát biểu của ban lãnh đạo hay khách mời”, anh Hưng chia sẻ.
Nhiều đại học ở Nhật như Kyoto cho sinh viên hóa trang thành nhân vật yêu thích trong lễ tốt nghiệp.
Phạm Minh Ngọc nhận bằng tốt nghiệp ở Đại học Kyoto hồi tháng 3. Ngọc ấn tượng với với không khí vui vẻ và cảm giác như đang dự lễ hội thời trang. Cô cho hay sinh viên Trung Quốc thường mặc trang phục Hoàn châu cách cách, Hàm hương. Nhiều người chọn mặc Hakama, trang phục truyền thống của Nhật, có người hóa trang thành siêu nhân, nhân vật hoạt hình. Ngọc chọn diện áo dài truyền thống Việt Nam.
Ngọc cho biết một số trường cố định ngày tổ chức lễ tốt nghiệp như Đại học Teikyo vào ngày 21/3. Nippon Budokan, hội trường 14.000 chỗ được đa số đại học ở Tokyo thuê để tổ chức lễ nhập học và tốt nghiệp.
Là thủ khoa của trường, Nguyễn Ngọc Ái Duyên nhớ như in khoảnh khắc lên sân khấu nhận giấy khen.
“Hội trường rất đông nhưng không ồn ào”, Duyên nhớ lại. “Các nghi lễ diễn ra trong một tiếng rưỡi, với mở màn là quốc ca Nhật và kết thúc là hiệu ca (bài hát của trường)”, cô nhớ lại.
Ở Australia, các đại học lớn có lễ tốt nghiệp chung cả trường hoặc riêng từng khoa. Cũng như nhiều đại học Anh, Mỹ, lễ tốt nghiệp thường có nghi thức rước quyền trượng, ban giám hiệu trong lễ phục của trường, sẽ đi từ dưới hội trường lên sân khấu.
Vũ Thanh Tùng, cựu sinh viên tốt nghiệp Đại học Công nghệ Sydney năm 2022, cho biết trên mũ cử nhân có một sợi dây tua rua, ban đầu đặt bên trái nhưng khi lên sân khấu nhận bằng, hiệu trưởng sẽ đưa sang bên phải, công nhận sinh viên đã tốt nghiệp. Bằng sẽ trao theo thứ tự tiến sĩ, thạc sĩ rồi cử nhân. Những sinh viên nhận bằng danh dự hoặc loại giỏi được lên trước.
Tùng kể hôm đó là ngày lễ lớn của trường. Bên ngoài là các gian hàng bán đồ lưu niệm, có không gian cho sinh viên đón người thân đến chơi cùng các tiết mục biểu diễn.
“Không khí rất náo nhiệt”, Tùng nhớ lại.
Theo Nguyễn Thủy Tiên, sinh viên Đại học Quốc gia Australia, trường tổ chức tốt nghiệp cho 7 khoa trực thuộc vào giữa tháng 12 năm ngoái tại hội trường lớn. Sinh viên được tiếp đón, tặng gấu bông. Trang phục gồm mũ cử nhân và áo choàng đen, màu của vạt áo thì tùy theo chuyên ngành học. Học ngành Luật nên Tiên khoác áo có vạt màu tím, tượng trưng cho trí tuệ và quyền lực.
Cô cho biết sau phần diễu hành của ban giám hiệu, sinh viên đọc lời tuyên thệ bảo vệ công lý, tôn trọng giá trị của quyền con người và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền. Tiên ấn tượng nhất phần này vì nhắc nhở cô rằng lễ tốt nghiệp không phải là sự kết thúc mà mở đầu cho hành trình dài.
“Sự chuẩn bị chu đáo của nhà trường khiến tôi cảm thấy được trân trọng”, Tiên chia sẻ.
Bình Minh