Soạn giả Viễn Châu là người phát hiện ra tài năng của Lệ Thủy hồi bà mới 13, 14 tuổi.
Khởi đầu với vở cải lương Quan Âm Thị Kính, mà lúc đó trên bìa đĩa còn ghi là “bé Lệ Thủy”.
Vì chú Viễn Châu, tôi lần đầu kêu gọi
Nghệ sĩ Lệ Thủy chia sẻ dịp giỗ tổ sân khấu năm ngoái, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh có lên TP.HCM để gặp và trao đổi với bà về việc vận động kinh phí xây dựng khu lưu niệm cố soạn giả Viễn Châu.
Nghe xong, bà tán thành liền. Với cá nhân bà, soạn giả Viễn Châu như một người cha. Chính nhờ sự phát hiện và dìu dắt của ông mà mới có cái tên Lệ Thủy như ngày hôm nay.
Bà cho rằng công trình tri ân soạn giả Viễn Châu cần nên làm gấp, vì một số nghệ sĩ gắn bó và hiểu những đóng góp của ông cũng đã lớn tuổi rồi, rất cần tiếng nói của họ để góp thêm tư liệu về ông.
Chẳng hạn, bà lấy làm tiếc là nghệ sĩ Văn Hường, người đầu tiên thể hiện bài Tư Ếch đi Sài Gòn, khởi đầu sáng tạo vọng cổ hài của soạn giả Viễn Châu, đã mất.
Lệ Thủy nói: “Hồi nào giờ tôi chưa bao giờ kêu gọi, vận động ai đóng góp nhưng đây là lần đầu tiên tôi xin kêu gọi tất cả các em, các cháu nghệ sĩ không chỉ cải lương mà còn nhiều lĩnh vực khác cùng chung tay với tôi để thực hiện công trình ý nghĩa tri ân chú Viễn Châu.
Bởi chú Bảy Viễn Châu là người có đóng góp quá lớn cho nghệ thuật cải lương, là người khai sinh ra tân cổ giao duyên, vọng cổ hài…
Chú Bảy sinh ra ở Trà Vinh nhưng hoạt động và đóng góp rất nhiều cho TP.HCM, nên tôi cũng mong lãnh đạo thành phố chúng ta quan tâm, chung tay cùng Trà Vinh”.
Nghệ sĩ Lệ Thủy tin rằng không chỉ nghệ sĩ mà khán giả trong và ngoài nước nếu đã yêu cải lương chắc chắn có biết và đều có ca sáng tác của soạn giả Viễn Châu.
Cùng chung tay cho công trình này, dù ít dù nhiều cũng là thể hiện tấm lòng thành với vị soạn giả đáng kính của nghệ thuật cải lương.
Viễn Châu là tượng đài của cải lương
NSND Trọng Phúc cho rằng soạn giả Viễn Châu là tượng đài, đại thụ của cải lương. Từ ngón đờn, bài ca, tuồng tích, cách sống, cách làm việc của ông đều khiến người trong giới phải nể phục, kính trọng.
“Việc có một công trình bảo tồn những di sản của soạn giả Viễn Châu là hết sức cần thiết để truyền lại cho các thế hệ nghệ sĩ sau này học hỏi.
Đồng thời cũng là nơi để khán giả khắp nơi đến tưởng niệm, tìm hiểu cuộc đời của ông, một cuộc đời không thể tách rời nghệ thuật cải lương của Việt Nam” – Trọng Phúc bày tỏ suy nghĩ.
Nghệ sĩ Thanh Hằng xúc động nói dù có thể làm bất cứ điều gì để đóng góp cho công trình tri ân soạn giả Viễn Châu, chị luôn sẵn sàng.
Bởi với chị đây là chương trình ý nghĩa. Trong cuộc đời đi hát của Thanh Hằng, chị ca rất nhiều sáng tác của Viễn Châu.
Chị nhớ thời gian định cư ở Úc, soạn giả Viễn Châu đã viết tặng chị bài ca cổ Mẹ vẫn đợi con về nói về tâm sự người con xa xứ.
Nghệ sĩ Phượng Loan cho biết chị có cơ hội hợp tác cùng nhạc sĩ Trương Minh Châu, con trai ông Viễn Châu.
Mỗi lần vô phòng thu chị được gặp soạn giả Viễn Châu, được ông chỉ dạy cách hát như thế nào để truyền tải tác phẩm sâu sắc đến khán giả.
Chị bày tỏ: “Bác Bảy là người sống tình cảm, luôn tận tình chỉ nghề cho con cháu. Có cơ duyên được gặp, được học hỏi bác là may mắn quá lớn trong cuộc đời tôi”.
Khu lưu niệm cố soạn giả – NSND Viễn Châu sẽ tọa lạc tại ấp Cây Da, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, có diện tích 11.300m2 với 16 hạng mục chính.
Tổng kinh phí dự kiến là 70 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa, thực hiện xây dựng năm 2024 – 2025.
Nguồn: https://tuoitre.vn/le-thuy-keu-goi-nghe-si-khan-gia-chung-tay-tri-an-soan-gia-vien-chau-20240608134057834.htm