(BGĐT) – Em Lê Quang Vinh (SN 2005), học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lục Ngạn số 3 (Bắc Giang) được biết đến không chỉ học giỏi toàn diện mà còn có năng khiếu điêu khắc tranh nghệ thuật trên lá cây.
Từ nhỏ, Vinh đã bộc lộ đam mê nghệ thuật điêu khắc. Thấy cậu học trò khéo tay, khắc họa tranh có hồn, thầy cô tấm tắc khen ngợi. Lên học lớp 10 tại Trường THPT Lục Ngạn số 3, Vinh luôn hăng hái tham gia phong trào tập thể, gây ấn tượng với thầy cô và các bạn trong những đợt làm báo tường, sinh hoạt ngoại khóa ở lớp, của khối bằng những bức họa đẹp mắt, đường nét uyển chuyển, cầu kỳ.
Em Lê Quang Vinh (thứ hai từ trái sang) trong một lần tham gia chương trình Chuyển động 24h của Đài Truyền hình Việt Nam. |
Cuối năm 2021, qua youtube Vinh tình cờ nhìn thấy những bức tranh điêu khắc của nghệ sĩ nước ngoài trên các chất liệu lá cây, vải, giấy… Vinh như bị “thôi miên”, ngắm nhìn mãi và tự hỏi liệu mình có thể làm được như vậy không? Cậu tìm hiểu và quyết định thử nghiệm trên lá cây.
Để có nguyên liệu, đầu tiên Vinh tìm loại lá nào không quá mỏng và cũng không quá dày, lưu giữ được lâu dài. Sau một thời gian tìm tòi, thử nghiệm, Vinh phát hiện dùng lá mít hay lá bồ đề khắc tranh là phù hợp nhất.
Cậu chọn những chiếc lá bánh tẻ, đem hong trong bóng râm cho khô rồi gói ghém cất trong tủ làm nguyên liệu sáng tác. Mới đầu Vinh tập khắc các nét cơ bản, biết bao lần làm rách lá phải bỏ đi. Không nản chí, bằng đam mê và đôi tay khéo léo, cậu học trò quyết tâm biến những chiếc lá vô tri thành bức tranh sinh động, độc đáo.
Không cần nhiều đồ nghề lỉnh kỉnh, dụng cụ sáng tác của Vinh chính là chiếc dao dọc giấy và dao tỉa hoa quả. Mỗi khi bắt tay vào khắc tranh, Vinh sẽ in hoặc phác họa nội dung tranh mẫu lên giấy. Sau đó dán tranh mẫu lên lá, tỉ mỉ, nhẹ nhàng dùng dao đi từng đường nét cho đến khi tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Đối với ảnh màu có sẵn thì cầu kỳ hơn, cậu phải xử lý lại cho ảnh về gam màu truyền thống đen – trắng để có độ sắc nét, sau đó mới phác thảo nội dung bức ảnh trên giấy. Để làm ra một tác phẩm điêu khắc trên lá mất khoảng 3-4 giờ. Tác phẩm kỳ công nhất là gần 24 giờ mới xong.
Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, mỗi bức tranh lá hoàn thành được cậu học trò trưng bày trên góc học tập hoặc ép trong sách vở làm kỷ niệm. Không lâu sau, những bức tranh lá bị ẩm mốc, biến dạng. Sau này, Vinh mang tác phẩm đi ép plastic (ép nhựa) để bảo quản được lâu dài. Đến nay, bộ sưu tập tranh lá của cậu học trò đa dạng với gần 1 nghìn bức các loại. Ấn tượng nhất là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tranh phong cảnh, con vật…
Theo Lê Quang Vinh, khó nhất là khắc chân dung các vị lãnh tụ. Vì vậy, em dành thời gian quan sát kỹ lưỡng thần thái nhân vật trước khi bắt tay vào thực hành. Ngoài ra, tranh phong cảnh cũng là thử thách với chàng trai trẻ bởi nhiều chi tiết phức tạp, chi tiết càng nhỏ càng khiến việc đi đường dao điêu khắc trên lá phải tỉ mỉ, thận trọng hơn.
Bức tranh phong cảnh khắc họa trên lá của Lê Quang Vinh. |
Mới đầu, Vinh khắc tranh lên lá cây dành tặng bạn bè, người thân và đăng lên mạng xã hội để chia sẻ niềm đam mê. Ngay lúc đó đã có nhiều người yêu thích tranh điêu khắc của Vinh liên hệ hỏi mua hoặc gửi tranh mẫu nhờ cậu học trò tài hoa khắc họa giúp. Mặc dù có nhiều người hỏi mua song bước đầu Quang Vinh khắc tranh lá để thỏa mãn niềm đam mê, sản phẩm làm ra chủ yếu dành tặng bạn bè, người thân yêu. Từ thành công bước đầu khắc họa tranh trên lá mít, Lê Quang Vinh đang ấp ủ dự định sẽ thử nghiệm trên một số loại lá khác và một số loại quả đặc sản của Lục Ngạn như: Cam, bưởi, vải thiều.
Cô Nguyễn Thị Thu Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 A1 nhận xét: “Ngoài tài khắc tranh trên lá cây, Lê Quang Vinh còn là học sinh ngoan, học giỏi đều các môn, trách nhiệm với công việc của tập thể”. Gần 20 năm công tác trong ngành Giáo dục và 3 năm là cô giáo chủ nhiệm lớp của Vinh, cô Hường chia sẻ niềm vui khi nhận được món quà nhỏ cậu học trò tặng nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
“Đó là bức tranh phong cảnh rất đẹp khắc trên lá được ép plastic cẩn thận. Tôi giữ mãi bức tranh kỷ niệm đó trên bàn làm việc của mình” – cô Hường chia sẻ.
Thời điểm này, Lê Quang Vinh đang tập trung học tập, ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cậu học trò dự định đăng ký hồ sơ dự tuyển vào một số trường có chuyên ngành cơ khí hoặc kiến trúc để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo phục vụ cuộc sống.
Bài, ảnh: Mai Toan
Thầy giáo Nguyễn Văn Chuyên: Truyền lửa đam mê cho học trò miền núi
(BGĐT) – Hơn 16 năm cần mẫn “lái đò”, thầy giáo Nguyễn Văn Chuyên (SN 1984), giáo viên Trường THPT Yên Thế đã dìu dắt bao thế hệ học trò miền núi trưởng thành. Đặc biệt, qua mỗi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đồng nghiệp cùng giảng dạy bộ môn Hóa học ở các trường THPT đều khâm phục trước thành tích của đội tuyển Trường THPT Yên Thế do thầy Chuyên phụ trách.
Trọn đam mê với nghề
(BGĐT)- Nhà báo Thu Phượng (tên đầy đủ là Lương Thị Thu Phượng, SN 1981) có gần 20 năm công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) tỉnh Bắc Giang. Chị có nhiều dấu ấn trong tác nghiệp và nhiều giải thưởng báo chí cấp tỉnh, quốc gia.