Trong đời sống văn hoá tinh thần của cộng đồng người Chăm thời xa xưa cũng như ngày nay, không thể thiếu vắng yếu tố tín ngưỡng tâm linh. Nó có vai trò rất quan trọng, thấm sâu, chi phối sâu sắc đến đời sống xã hội và là một nhân tố cốt lõi hình thành bản sắc dân tộc. Trong đó, Lễ Pok Tapah (Phong phẩm Phó Cả sư) là nghi lễ ghi nhận một bước trưởng thành của một tu sĩ người Chăm Bà-la-môn giáo. Đây là một nghi lễ phong phú có nhiều màu sắc rực rỡ. Rất nhiều nghi thức được thực hiện trong nhiều ngày, quy tụ nhiều con người để làm nên một cuộc lễ.
Quý vị hãy cùng tác giả Nguyễn Văn Anh tìm hiểu về nghi lễ này qua bộ tác phẩm “Lễ Pok Tapah (Phong phẩm Phó Cả sư)”. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi Ảnh và Video Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Trải qua nhiều năm tháng, nhiều biến động thăng trầm trong lịch sử, cùng với những tác động bất lợi của các nền văn hóa khác trong cuộc sống hiện tại, nhưng người Chăm Bà la môn giáo vẫn miệt mài gìn giữ màu sắc của tổ tiên.
Những nghi lễ của họ thật độc đáo, đầy bản sắc dân tộc Chăm và có nhiều nét nghệ thuật trong đó nữa. Lễ Pok Tapah là niềm tự hào của cá nhân vị tu sĩ và gia đình, người thân của họ.
Lễ Pok Tapah thường diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên gồm các phần việc chuẩn bị như: dựng nhà lễ, đo rạp, cúng rạp (vật tế chính gồm 1 con heo và 1 con dê). Vào ngày thứ hai (khai lễ), mọi người sẽ trang trí nhà lễ, đưa y phục của Ong Don Muk Don vào nhà lễ và chuẩn bị 2 cây nến to. Dưới sự điều hành của Bà Đơm, nghi lễ diễn ra vào buổi chiều với nghi thức tẩy uế và nhận nước thánh. Sang ngày thứ ba (ngày quạt), nhà trang điểm (Sang Uơk) và nhà điện (Sang Xăm) mới được dựng lên. Lễ khai trương nhà trang điểm, nhà điện kết thúc, nghi thức tẩy uế lại được thực hiện như ngày thứ hai… Sau đó, tu sĩ Bà-la-môn, được tôn chức chính thức trở thành một Tapah và sang nhà Gru Arieng làm lễ lạy tạ Thầy (Talabat Gru).
Trải qua năm tháng cùng sự hội nhập văn hóa nhưng lễ tôn chức Pok Tapah đến nay vẫn giữ được những nét độc đáo, mang đậm bản sắc của người Chăm Bà-la-môn ở Ninh Thuận.
Vietnam.vn