Tọa lạc tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng huyện Đầm Dơi Cà Mau, miếu thờ Bà Thủy Long (Thủy Long cung thần nữ) do người dân lập nên cách đây 124 năm, gắn liền với những truyền thuyết, giai thoại của các vị tiền nhân, khai cơ lập nghiệp trên vùng đất mới. Miếu do 2 tiền nhân Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành xây cất, hướng về vàm Bỏ Mũ – Bàu Dừa, ghi dấu quá trình khai phá vùng đất Thanh Tùng ngày nay.
Lễ hội lớn nhất Cà Mau
Là vùng có địa hình sông nước chằng chịt, văn hóa dân gian của người Cà Mau gắn liền với công cuộc khai phá thiên nhiên, mà trong đó gắn liền với cuộc sống mưu sinh chính là sông – biển. Chính vì vậy, tục thờ bà Thủy Long cũng đã gắn liền với cư dân Cà Mau ngay những ngày đầu đặt chân đến vùng đất này.
Theo những vị cao niên kể lại, nơi đây trước kia là vùng đất hoang vu, cá tôm nhiều vô số kể. Lúc ấy có 2 vị cố tổ là Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành từ miền Trung lặn lội vào tìm kế mưu sinh. Hai ông đi trên chiếc xuồng độc mộc (xuồng được đẽo từ một thân cây gỗ), đến chỗ ngã ba sông này thì có con cá lóc lớn nhảy vào xuồng, tin là có điềm lành, dấu hiệu “vật thịnh – nhân khang”, 2 ông quyết định chọn đất này dừng chân lập nghiệp, đồng thời dựng lên một ngôi miếu thờ Thủy Long thần nữ ngay ngã ba sông.
Tính đến nay, hậu duệ của 2 ông cố tổ đã an cư lạc nghiệp tại vùng đất này đến đời thứ 8. Ngôi miếu thờ Thủy Long thần nữ ngày xưa đã được trùng tu, tôn tạo rộng rãi, khang trang và bài vị của 2 ông được con cháu thờ luôn trong miếu.
Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 16 – 17/2 âm lịch, thu hút hàng nghìn du khách gần xa đến cúng viếng và tham gia. Các nghi thức của lễ vía diễn ra có sự kết hợp hài hòa giữa nghi thức thờ mẫu và tín ngưỡng dân gian mang bản sắc riêng tại địa phương với chương trình nghi lễ đặc sắc.
Cùng với lễ, luôn kết hợp với hội là tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại khu vực sân miếu. Lễ hội được xem là lễ hội dân gian lớn nhất ở Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
Người dân địa phương thực hiện việc cúng theo tục lệ, gọi là cúng Kỳ Yên (cầu an) với mục đích cầu mong “phong điều vũ thuận, quốc thới dân an. (mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an). Lễ cúng thường phải có thịt vịt và các loại bánh trái, hương – đăng – trà – quả, ngày cúng được tổ chức tùy theo điều kiện của từng địa phương, năm trúng mùa thì cúng lớn, năm thất mùa thì cúng gọn nhẹ.
Nét văn hóa dân gian đặc sắc vùng sông nước
Thủy Long thần nữ hay còn gọi bà Thủy Long, là vị nữ thần được thờ ở khắp các địa phương đồng bằng Nam Bộ, đặc biệt là vùng sông nước Cà Mau. Hình thức thờ chủ yếu tại các miếu thờ cộng đồng. Có miếu thờ đi đôi với đình thần, nằm trong khu vực quần thể kiến trúc của đình thần; có miếu được lập riêng biệt với gian chính diện thờ Thủy Long thần nữ. Theo thống kê bước đầu, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đến hàng chục miếu thờ Thủy Long thần nữ với nhiều quy mô khác nhau.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Tục thờ Thủy Long thần nữ là một hình thức tín ngưỡng dân gian gắn liền với cư dân miền sông nước, đã tồn tại hàng trăm năm qua trong đời sống tinh thần người dân Nam Bộ nói chung, người Cà Mau nói riêng. Các nơi thờ tự nếu được bảo tồn và phát huy tích cực sẽ trở thành nơi gắn kết cộng đồng, nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa lành mạnh góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.”
“Lễ hội vía bà Thủy Long ở Thanh Tùng Đầm Dơi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là một dấu ấn đóng góp của văn hóa dân gian Cà Mau đối với nền văn hóa đặc sắc của đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn bảo tồn và phát triển văn hóa hiện nay, di sản còn là điểm mốc quan trọng để thu hút du khách phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Do đó, bảo tồn gìn giữ là trách nhiệm và tự hào của người Cà Mau” – ông Trần Hiếu Hùng nói.