Ngày 12/12, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Bình Định cho biết Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký quyết định đưa lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý nằm trên địa bàn xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn còn có tên gọi khác là lễ hội Khai sơn Cầu ngư Xương Lý ra đời từ hơn 200 năm trước, là một trong các lễ hội truyền thống lâu đời, gắn kết với đời sống ngư dân miền biển ở Bình Định.
Lễ hội là hồi ức về không gian đánh bắt hải sản trên biển cả, ẩn chứa nét văn hóa tín ngưỡng ngư dân vùng biển qua nhiều giai đoạn trong diễn trình lịch sử.
Hàng năm, vào mùng 9 và 10 tháng Giêng âm lịch, tại Lăng Ông Nam Hải ở thôn Lý Chánh diễn lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý, với nghi lễ nghinh thần (rước thần Nam Hải nhập điện). Sau phần lễ sẽ diễn ra các hoạt động hội làng.
Một góc làng chài Nhơn Lý. Ảnh: Văn Ngọc.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Ngọc, lễ hội thể hiện đậm nét sự kết nối giữa hiện tại với quá khứ và sức sống lan tỏa trong tương lai thể hiện qua các hoạt động, là dịp để người dân hiểu nhiều hơn về vùng đất cảng biển lúc bấy giờ và vai trò của vạn đầm đối với đời sống kinh tế – văn hóa Bình Định bao thế kỷ qua, một thời là trạm dừng chân “con đường tơ lụa” trên biển, một thời từng tồn tại làng biển ngư dân Chăm và ngày nay là vạn chài mang nhiều trầm tích văn hoá, các tầng lớp ngư dân luôn thể hiện trách nhiệm gìn giữ, phát huy.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân – Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý – cho hay đây là lễ hội cầu ngư truyền thống có từ xa xưa được bà con ngư dân gìn giữ và tổ chức hàng năm để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, biển nhiều tôm, cá, thuyền bè ra khơi an lành, khi về bến tôm cá đầy khoang, đời sống ngư dân sung túc.
Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian gắn liền với ngư dân miền biển như đua thuyền, bơi thúng, bơi lội… và đặc biệt không thể thiếu hát tuồng, hát bài chòi (thường diễn ra 7-8 đêm).
Nguồn: https://tienphong.vn/le-hoi-tren-200-nam-lang-chai-o-binh-dinh-thanh-di-san-post1699758.tpo