Video: Lễ hội Ttà lần đầu tổ chức ở Lai Châu, đặc sắc màn hái chè, sao chè và thưởng trà.
Lễ hội trà thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm, khám phá
Ngày thứ 7 cuối tuần, trời mây trong xanh, ngay từ sáng sớm hàng nghìn du khách đã nối gót thành dòng người tìm lên đồi chè xã Phúc Khoa, tôi và gia đình cùng hòa vào dòng người chuẩn bị hành trang quốc bộ lên đồi, nghĩ đến chặng đường ngược dốc dài hơn kilomet, tôi nhìn vợ và con thấy ái ngại; nhưng may thay, ban tổ chức Lễ hội trà đã chu đáo chuẩn bị một dàn vài chục chiếc xe gắn máy để đón du khách lên trải nghiệm, khám phá Lễ hội trà.
Gia đình 3 người chúng tôi được 2 chiếc “xế hộp” do hai chàng thanh niên khá cơ bắp điều khiển, chiếc xe lướt đi vèo vèo qua những vòng cua tay áo trên con đường trải bê tông sạch bong, men theo chân những đồi chè, càng lên cao trước mắt tôi những đồi chè rộng mênh mông, xanh ngát, đẹp mê đắm cũng dần hiện ra, thấp thoáng trên những nương chè là bóng dáng các cô gái Mông, Thái, Giáy… xúng xính trong váy áo nhiều màu tham gia phần thi hái chè.
Tôi vội vã cảm ơn chàng tài xế điển trai rồi hòa vào không khí tưng bừng trên những luống chè, hỏi vội một cô gái Thái có dáng người mảnh khảnh, duyên dáng đang bưng thúng chè búp xanh ngát, bắt mắt vừa được hái xong, được biết, cô là La Thị Thắm, ở xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, Lai Châu; Thắm cho hay để hái được chè ngon phải chọn những búp chè một tôm 2 lá, không để lá phạm, có như vậy khi sao chè lá sẽ không bị rời và không bị cháy, búp chè sẽ đẹp và ngon hơn.
Theo chân Thắm tiến về khu vực thi sao chè, tôi hỏi vội cảm xúc của cô khi tham gia Lễ hội trà lần này, Thắm cười cho biết, gia đình cô gắn bó với nghề trồng chè đã nhiều năm, đây là lần đầu cô tham gia dự thi, cô rất mong chờ khi được tham gia lễ hội.
Chỉ tay về khu vực đông vui nhất, sắp diễn ra màn thi sao chè, Thắm bày tỏ: “Đây không chỉ là ngày hội lớn gắn với niềm tự hào của những người sản xuất trà mà còn là dịp để chúng tôi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu và quảng bá thương hiệu trà của mình”.
Khu vực diễn ra màn thi sao chè được ban tổ chức sắp xếp sát khán đài chính của lễ hội, 9 đội thi sẵn sàng vào cuộc, bếp sao chè được các đội dựng lên bằng những viên gạch, lửa được thổi bùng lên, cháy đỏ rực. Ngay sau tiếng ra hiệu của trọng tài, các đội thi bắt tay vào sao chè, không khí ngay lập tức bùng nổ, dưới tiếng vỗ tay, khích lệ của hàng trăm du khách và nhân dân.
Các “nghệ nhân sao chè” với đôi tay điêu luyện không ngừng đảo chè, tiếng í ới gọi nhau vang lên liên tục; quanh bếp khói dày đặc bay nghi ngút, quanh quẩn, bao bọc lấy người sao chè. Chưa đầy 10 phút mồ hôi đã nhễ nhại trên khuôn mặt các nghệ nhân. Chứng kiến hình ảnh này, không ít du khách bày tỏ sự thấm thía về những vất vả của bà con nông dân trồng chè.
Khi mặt trời lên khá cao, cái nắng đã bắt đầu gay gắt, màn sao chè của các đội cũng vừa lúc hoàn thành, từng khay chè với những cánh chè bắt mắt, mùi thơm nức hấp dẫn được đưa tới ban giám khảo. Ban giám đảo chấm thi gồm những nghệ nhân và các nhà sản xuất chè có nhiều kinh nghiệm ở địa phương.
Giờ là đến màn “cân đo đong đếm” thưởng trà chấm điểm, đây là khâu đặc biệt quan trọng cần sự tập trung và trách nhiệm từ những người “cầm cân nảy mực”, có như vậy mới lựa chọn được nhà vô địch hôm nay; và rồi từ khu vực trao giải từng tràng pháo tay vang lên không ngớt, tiếng cười, tiếng nói vang vọng khắp nơi, niềm hạnh phúc hiển hiện trên từng ánh mắt, nụ cười của các thành viên đến từ 9 đội thi…
Lễ hội trà gắn phát triển chè với du lịch
Di chuyển gần 10km về tới thị trấn Tân Uyên, những món đặc sản được ban tổ chức Lễ hội Trà và Tuần Văn hóa – du lịch chuẩn bị đã lên mâm, trong hàng trăm câu chuyện được 2 Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Lê Thanh Huy và Lò Văn Biên chia sẻ, được biết huyện Tân Uyên được xem là thủ phủ của cây chè của tỉnh Lai Châu. Nơi đây có những cánh đồng chè với tuổi đời lên tới 60 năm.
Hiện, Tân Uyên đang sở hữu gần 3.400ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh đạt gần 3.100ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 8,5 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 30 nghìn tấn trên năm, tương ứng 5.800 tấn chè búp khô các loại; mang về nguồn thu trên 200 tỷ đồng trên năm và giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho khoảng 7.000 lao động địa phương.
Qua câu chuyện thân mật với 2 Phó Chủ tịch UBND huyện và bà con, tôi hiểu rằng, cây chè không chỉ giúp người nông dân Tân Uyên giảm nghèo, phát triển kinh tế, thu nhập của bà con trồng chè những năm gần đây đã tăng theo từng năm, thêm nữa hiện cây chè là một trong những cây trồng chủ lực, đóng góp rất lớn để huyện Tân Uyên vươn lên thành huyện nông thôn mới của Lai Châu.
Trong bữa cơm thân mật ấy, ông Lò Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu hồ hởi cho biết: Xã Phúc Khoa đạt xã nông thôn mới từ năm 2015, hiện xã đang nỗ lực phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đặt mục tiêu gắn phát triển vùng chè với du lịch, trên những cung đường lên đồi chè, bà con trong xã đã trồng hơn 40 cây hoa ban, hơn 1.000 cây hoa anh đào, xây dựng gần 10 điểm view, check in, xây dựng các tuyến đường giao thông. Bà con trong xã cũng tự học, luyện tay nghề nấu các món ăn của dân tộc mình để chờ đón du khách…
Được biết, trong khuôn khổ Lễ hội trà và Tuần Văn hóa – Du lịch huyện Tân Uyên diễn ra từ ngày 12 – 14/4, còn diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao và các hoạt động nổi bật khác như: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè; các sản phẩm OCOP; sản phẩm văn hóa, du lịch, sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn trong huyện, các huyện trong và ngoài tỉnh Lai Châu; trưng bày tranh, ảnh về đất và người Tân Uyên với chủ đề: “Hương sắc Tân Uyên – một điểm nhớ”…
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Lò Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, Trưởng ban Tổ chức cho biết: Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Tân Uyên đã có những sản phẩm chè OCOP. Có những sản phẩm đã trở thành thương hiệu và được phân phối rộng rãi trên thị trường, là niềm tự hào hào của mỗi người dân Tân Uyên.
Lễ hội trà lần đầu tiên được tổ chức tại xã Phúc Khoa là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, cơ hội để huyện Tân Uyên giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè, sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa du lịch và nông sản đặc trưng, cùng những tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người và thiên nhiên.
Đến với lễ hội, du khách sẽ được tham quan, thưởng lãm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của các dân tộc trên địa bàn huyện. Khám phá hương sắc cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, giao hòa với những nét văn hóa truyền thống, những tình cảm nồng hậu, thân thiện của đồng bào các dân tộc.
Thông qua lễ hội, huyện Tân Uyên hy vọng đây sẽ là điểm đến “an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” trong lòng du khách và bè bạn gần xa trên hành trình khám phá văn hóa, du lịch tỉnh Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung.
“Mục đích Lễ hội trà lần này là để tôn vinh nghề truyền thống chế biến trà, đồng thời để quảng bá những thương hiệu, sản phẩm trà của huyện Tân Uyên đến các thị trường trong và ngoài tỉnh. Sau Lễ hội trà và Tuần Văn hóa – Du lịch lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm giải pháp cùng với bà con phát triển vùng chè, xây dựng các thương hiệu chè của địa phương; mở rộng thị trường và tìm đối tác tiêu thụ, qua đó giúp bà con nông dân phát triển tốt hơn nữa cây chè với mục tiêu xây dựng vùng chè gắn với phát triển du lịch”, ông Biên hồ hởi bày tỏ.