Ok Om Bok – Ðua ghe Ngo ở Sóc Trăng ngày nay đã trở thành một lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ và đã trở thành một hoạt động văn hóa chung của cộng đồng trong khu vực, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Mời quý vị hãy cùng tìm hiểu về lễ hội này của đồng bào Khmer ở Nam Bộ qua bộ ảnh “Lễ hội đua ghe ngo – Sóc Trăng” của tác giả Dương Trấn Hải. Lễ hội đua ghe Ngo trong dịp này có ý nghĩa đưa tiễn và tạ ơn thần Nước sau một năm ban cho mùa màng bội thu. Giải đua ghe Ngo mang tính đại chúng rất cao và thể hiện sự gắn bó cộng đồng với sự tham gia của nhiều người. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi Ảnh và Video Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Lễ hội Ok Om Bok – Ðua ghe Ngo của người Khmer cũng là niềm tự hào của cộng đồng dân cư Tây Nam Bộ khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Lễ hội Ok Om Bok – Ðua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng từng xác lập kỷ lục Việt Nam từ năm 2005 đến nay với số lượng ghe và vận động viên tham gia nhiều nhất. Vào năm chẵn, Lễ hội Ok Om Bok – Ðua ghe Ngo của tỉnh Sóc Trăng được tổ chức cấp khu vực, hoặc kết hợp tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ.
Sau tiếng còi xuất phát của trọng tài, trong tiếng cổ vũ vang lên mạnh mẽ, các vận động viên đã cố hết sức thoăn thoắt mái dầm vào nước, đưa chiếc ghe Ngo của đội mình lướt nhanh trên đường đua, bứt phá về đích vô cùng ngoạn mục.
Ngay từ những trận thi đấu đầu tiên của vòng loại, vận động viên các đội ghe nam và nữ đã thể hiện tinh thần thi đấu hết mình, dốc toàn sức tranh tài, cống hiến cho khán giả những pha gay cấn, đẹp mắt.
Đối với người dân Khmer Nam bộ, phong tục đua ghe Ngo không chỉ là hoạt động thể thao truyền thống mà còn chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng.
Có thể nói, đây là dịp đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer ở miền Tây Nam Bộ nói riêng, bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu của mình đối với Ðảng, Nhà nước, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Vietnam.vn