Theo phong tục tập quán của các dân tộc Tây Nguyên, hàng năm cộng đồng người dân nơi đây thường tổ chức rất nhiều lễ hội. Trong đó phải kể đến lễ hội Mừng nhà rông mới của người Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng). Đây là lễ hội rất quan trọng đối với đời sống cộng đồng, biểu tượng sức sống của làng, tính đoàn kết của cộng đồng, gắn liền với những hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh và nhân sinh sâu sắc mang đậm đà bản sắc Tây Nguyên.
Nhà rông, một biểu tượng văn hóa độc đáo, không chỉ ấn tượng về kiến trúc, mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tinh thần, đời sống xã hội và tâm linh của các dân tộc thiểu số. Trên Cao Nguyên Kon Tum, nhà rông không chỉ là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, mà còn là trung tâm của nhiều hoạt động lễ hội và tín ngưỡng.
Trước khi xây dựng nhà rông, các thôn, làng đều tổ chức họp dân để lấy ý kiến của chi bộ, thôn trưởng, già làng, người có uy tin, có kinh nghiệm, các nghệ nhân thảo luận và quyết định xây dựng. Việc chọn vị trí đòi hỏi nơi có độ cao, thoáng mát, nằm ở trung tâm làng và có thể dễ dàng nhìn thấy từ xa. Tất cả phải có sự thống nhất, đồng thuận từ việc lựa chọn vật liệu, đến việc trang trí chi tiết các hoa văn theo đúng truyền thống…. Những người như già làng, thôn trưởng, người có uy tin, có kinh nghiệm, nghệ nhân, thường xuyên chỉ đạo, theo giỏi, giám sát, hướng dẫn trong quá trình thi công. Xây dựng nhà rông có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, nhà hảo tâm và đặc biệt là sự đóng góp hàng ngàn ngày công, vật liệu và cả tiền mặt của người dân trong làng. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa trường tồn của người Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng) nói riêng, và giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung.
Nhà rông do người dân xây dựng đều có sàn làm bằng gỗ, mái lợp tranh, tường xung quanh thưng bằng nứa, hoặc ván gỗ, trang trí hoa văn trong và ngoài đúng nguyên mẫu nhà rông truyền thống của người Xơ Đăng. Bình quân kinh phí xây dựng mỗi nhà rông lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, ông A Viêu, bí thư chi bộ, trưởng thôn làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: nhà rông có ý nghĩa rất lớn, là nơi để hội tụ, tập hợp tất cả những việc lớn, việc nhỏ, hội nghị bàn bạc công việc của làng; rồi những ngày lễ, Tết chúng tôi có nơi để vui chơi, nấu bánh chưng, bánh tét, tất cả các việc gì cần bàn bạc với dân làng đều tập trung tại nhà rông. Bên cạnh đó, nhà rông thể hiện kinh khí của thần linh, của trời và cả cộng đồng làng. Xây dựng nhà rông để bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc của dân tộc Tây Nguyên nói chung, dân tộc Xơ Đăng, nhánh Hà Lăng trên địa bàn xã nói riêng, có sự đồng tình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đặc biệt sự hỗ trợ của Bảo tàng Thư viên tỉnh Kon Tum về tinh thần và vật chất, tạo khí thế phấn khởi cho bà con dân làng, cùng với sự đồng tình của thôn làng, bà con đóng góp về vật chất, ngày công lao động, từ việc nhỏ, đến việc lớn để làm nhà rông khang trang như thế này.
Nhà rông xây dựng xong, dân làng tổ chức lễ hội Mừng nhà rông mới và thực hiện theo các nghi lễ trang trọng. Như lễ cúng thần linh, lễ đâm trâu, đánh chiêng, múa xoang xung quanh cây nêu trước nhà rông. Đăc biệt là tiết mục múa Chiêu, là điệu múa độc đáo không thể thiếu trong nghi lễ. Khi múa Chiêu, khuôn mặt của người phụ nữ luôn thể hiện cung kính, mời thần linh nhận những hiến tế, đồng thời cầu xin thần linh, tổ tiên ông bà phù hộ, che chở, giúp đỡ để cộng đồng luôn khỏe mạnh, đoàn kết, thóc lúa đầy kho, trâu bò, heo gà đầy chuồng. Múa Chiêu không chỉ đơn thuần là nghệ thật múa, mà còn mang âm hưởng của hồn thiêng sông núi; nó đánh thức sức sống của họ và tạo thêm niềm tin yêu cháy bỏng cuộc sống an lành và hạnh phúc, góp phần tạo nên bản sắc của người Xơ Đăng.
Ông A Thiu, người dân làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết múa Chiêu của dân tộc Hà Lăng đã có từ thời xưa rồi, không phải bây giờ mới có. Các dân tộc khác không có múa Chiêu. Chúng tôi rất tự hào truyền thống cho ông để lại, giờ vẫn duy trì, luyện tập truyền dạy cho thế hệ trẻ, làm sao để phát huy giá trị văn hóa dân gian của dân tộc mình.
Sau các tiết mục múa xoang, đánh chiêng, múa Chiêu là lễ đâm trâu ăn mừng nhà rông mới. Con trâu hiến tế là con trâu đực, tơ, mập mạp, mua trong làng. Nếu mua ngoài làng phải dắt về trước đó nhiều ngày. Trâu cột ở cây nêu trước nhà rông làm vật hiến tế, thể hiện sự kết nối giữa con người với thần linh; con trâu chính là tâm điểm linh vật của cả cộng đồng. Dân làng hiến cầu mong thần linh phù hộ cho mọi người dân mạnh khỏe, xua đuổi con ma, chiến thắng các đối thủ, trồng trỉa được mùa, thu lúa đầy kho, bắp đầy giàn, mọi người không ốm đau, bệnh tật. Người được giao nhiệm vụ đâm trâu là già làng và những thanh niên khỏe mạnh. Già làng cầm con dao đi vong quanh cây nêu đâm vào sườn con trâu. Những thanh niên phóng cây lao vào các bắp chân làm con trâu ngã gục. Sau đó, đưa trâu ra khỏi khu vực cây nêu mổ thịt, lấy đầu gác lên cây nêu. Các bộ phận nội tạng như tiết, gan, tim, lưỡi, óc cắt một phần đưa lên nhà rông, đặt bên ghè rượu để cúng. Số còn lại chia đều cho các gia đình mang về cúng tại nhà riêng. Thịt trâu được người dân chế biến các món ăn phục vụ lễ hội. Già làng tiến hành nghi thức cúng thần linh: “Hôm nay dân làng chúng tôi mừng nhà rông bằng con trâu, xin thần linh phù hộ cho nhà rông được vững chắc, năng mưa không bị hư hỏng, xin cho dân làng có sức khỏe, gặp nhiều may mắn, có cơm ăn, áo mặc, giàu có, canh tác nương rẫy được thuận lợi, cuộc sống người dân được an bình”.
Sau lễ cúng thần linh, mọi người trong làng tập trung về nhà rông uồng rượu cần, ăn cơm lam, thưởng thức các món ăn được chế biến vật hiến sinh cúng thần linh, đồng thời múa hát, đánh chiêng, múa xoang, tiếng trống rộn ràng, bà con múa theo nhịp điệu, khi khoan thai, khi nồng nhiệt say mê. Mỗi điệu múa chứa nội dung khác nhau, song đều phản ánh ước vọng của con người trước thiên nhiên, cũng như cầu mong thần linh ban phước cho mùa màng bội thu, cuộc sống an lành. Cuộc vui của người dân đến thấu đêm.
Ông Nguyễn Văn Quang, phó giám đốc Bảo tàng Thư viên tỉnh Kon Tum cho biết: lễ hội Mừng nhà rông mới đã huy động được sức mạnh của cộng đồng và thứ hai ở đây việc bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt, nên vận động bà con cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của Vườn quốc gia Chư Mom Ray cũng đã tạo đều kiện cho bà con khai thác vật liệu được phép để tôn tạo phục dựng nhà rông đúng với truyền thống. Nếu mà họ không làm bây giờ, thì thế hệ trẻ sau này sẽ không biết gìn giữ những bản sắc của dân tộc mình. Lớp trẻ đã tiếp thu được tri thức dân gian của cha ông để tiếp tục cho công việc bảo tồn. Qua việc làm chứng tỏ lớp trẻ rất ủng hộ, đồng tình với những người lớn tuổi, cũng như già làng, thôn trưởng, để phục dựng nhà rông bề thế như ngày hôm nay.
Nhà rông là biểu tượng văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên nói chung, người Hà Lăng nói riêng. Đó là ngôi nhà chung, là nơi cộng đồng họp giải quyết các công việc chung của làng, là trung tâm văn hóa tín ngưỡng, giáo dục, vui chơi, giải trí… của tất cả mọi người. Vì vậy, trong tâm thức của bà con nơi đây, nhà rông mang một giá trị đặc biệt. Do đó, lễ hội Mừng nhà rông mới là một lễ hội lớn và thiêng liêng.
Lễ hội Mừng nhà rông mới là thời điểm để người dân trong làng biểu dương sức mạnh, trở thành môi trường văn hóa quan trọng; thể hiện văn hóa dân gian có sức sống trường tồn trong đời sống các dân tộc Tây Nguyên./.