Không khí mát lạnh, bầu trời xanh trong cùng với màu lúa vàng ruộm của các thửa ruộng bậc thang sẽ đem đến cho du khách cảm nhận tuyệt vời về thu Sa Pa. Lễ hội mùa thu là sản phẩm đặc sắc được thị xã Sa Pa tổ chức thường niên và năm nay, sự kiện có nhiều điểm mới hứa hẹn nhiều hoạt động hấp dẫn, ấn tượng đối với khách du lịch.
Lễ hội mùa thu Sa Pa năm 2024 với chủ đề “Sa Pa mùa vàng” sẽ được tổ chức đúng dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 với nhiều hoạt động hấp dẫn nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của Sa Pa (tỉnh Lào Cai), thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đây cũng là dịp Sa Pa đẩy mạnh hợp tác với các địa phương trong, ngoài tỉnh trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch.
Lễ hội mùa của Sa Pa năm 2023. Ảnh: Xuân Quỳnh
Ban Tổ chức cho biết, Lễ khai mạc Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024 và Lễ đón nhận Bằng di tích danh thắng cấp tỉnh đối với thác Bạc, đỉnh Fansipan sẽ được tổ chức vào 20h00’ ngày 30/8/2024 tại Sân Quần, thị xã Sa Pa.
Ngày hội Văn hóa bản Mông Kỳ tổ chức trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tại điểm du lịch Cát Cát, xã Hoàng Liên. Tại Ngày hội diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc Mông; các trò chơi dân gian; trình diễn nghề thủ công truyền thống dân tộc Mông; rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh, nghề đan thồ, bện hài, gian hàng ẩm thực xôi ngũ sắc; trình diễn quá trình làm cốm, thưởng thức các món ăn từ cốm và tham gia các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số Sa Pa.
Du khách nước ngoài thích thú với quy trình làm cốm của bà con. Ảnh: Việt Dũng
Chương trình biểu diễn Xiếc nghệ thuật “Mường Hoa cổ tích” diễn ra từ ngày 31/8 – 02/9/2024 tại Làng ẩm thực Quốc tế – dự án Công viên Mường Hoa, tổ 2, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa.
Lễ hội Mùa Vàng Bản Mây từ 17/8 – 01/9/2024 tại Bản Mây (Ga đi cáp treo Fansipan) tái hiện lại cuộc sống sung túc của bà con các dân tộc tại Lào Cai khi cuộc sống mưa thuận gió hòa; mùa màng bội thu; thóc đầy kho, lúa đầy bồ đem lại một Bản Mây yên bình, trù phú và đầy sung túc với các hoạt động sự kiện: Khai mạc chung và Lễ hội Khô Già Già dân tộc Hà Nhì, Lễ hội Then Kin Pang dân tộc Thái, Lễ hội cơm mới Bản Mây các dân tộc Tây Bắc.
Điểm check in ưa thích của giới trẻ trên đường qua đèo Ô Quy Hồ. Ảnh: Q.Liên
Đêm hội Trăng rằm năm 2024 tổ chức ngày 14/9 (tức 12/8 âm lịch) tại sân Quần, thị xã Sa Pa với các chương trình văn nghệ chào mừng, thi đèn ông sao, trưng bày mâm cỗ, rước đèn trung thu qua các tuyến phố. Sẽ thật lý tưởng để các gia đình cùng nhau đón Tết đoàn viên ở Sa Pa với khung cảnh mùa thu vàng đẹp mê mải và “Đêm hội Trăng rằm” được tổ chức với quy mô hoành.
Trong dịp này sẽ diễn ra các giải thể thao: Giải Marathon vượt núi Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 20 – 22/9/2024, dự kiến thu hút 4.000 vận động viên đến từ hơn 50 quốc gia tham gia thi chạy vượt núi với các cung đường, cự ly 10 km, 21 km, 50 km, 70 km, 100 km và 160 km; Giải Tennis “Sa Pa mùa vàng” diễn ra trong 02 ngày 31/8 – 01/9/2024 tại sân Tennis Sa Pa với khoảng trên 100 vận động viên trong nước và Giải bóng đá nam – Hiệp hội Du lịch Lào Cai năm 2024 (dự kiến từ 24/9 – 06/10 tại Sân Sinavi và Sân SunGroup).
Giải Marathon năm 2023 tại Sa Pa. Ảnh: Ban Tổ chức giải Marathon
Nhằm triển khai Chương trình hợp tác Sa Pa – Mù Cang Chải năm 2024, trong quý III/2024, hai địa phương sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn liên kết, hợp tác phát triển du lịch lần thứ nhất với chủ đề “Cung đường kết nối di sản ruộng bậc thang” và loạt hoạt động khác như Triển lãm ảnh Kết nối Di sản văn hóa ruộng bậc thang với chủ đề “Cung đường di sản, tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, hàng hóa nông sản, sản phẩm thủ công tại các chương trình lễ hội của hai địa phương.
Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết, đây là lễ hội thường niên được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên qua đó xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của Sa Pa đồng thời giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của Sa Pa.
Đèo Ô Quy Hồ nhìn từ cầu kính Rồng Mây. Ảnh: Q.Liên
Lễ hội cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa Sa Pa với các tỉnh, các khu vực và địa phương khác trong cả nước và các quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Sa Pa (Lào Cai) nói riêng.
Cầu kính Rồng Mây. Ảnh: Q.Liên
Ngoài các hoạt động của Lễ hội mùa Thu 2024, du khách có thể tham quan, tìm hiểu nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Sa Pa như Đỉnh núi Fansipan – nóc nhà Đông Dương, ruộng lúa bậc thang tại bản Lao Chải hay Thung lũng Mường Hoa. Du khách có thể đi xa hơn là Cầu kính Rồng Mây (thuộc địa phận tỉnh Lai Châu) – điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng Đèo Ô Quy Hồ, 1 trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam./.
Q.Liên