Ngày 20/2 (tức ngày 11 tháng Giêng), tại Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Trần – chùa Tháp, phường Lộc Vượng (TP. Nam Định) đã diễn ra Lễ rước kiệu Ngọc Lộ (rước chân nhang của Vua Trần Nhân Tông) từ chùa Tháp sang đền Thiên Trường. Đây là nghi thức mở đầu cho Lễ hội Khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024.
Đoàn rước bắt đầu từ đền Trần sang chùa Tháp. (Nguồn: TTXVN) |
Lễ hội tâm linh này từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, đặc biệt trong mỗi dịp mùa Xuân về, cũng là thời điểm nhiều lễ hội đình chùa mở cửa đón du khách thập phương.
Thật thiếu sót nếu như nói đến các lễ hội tâm linh mà bỏ qua đền Trần của TP. Nam Định, nơi được coi là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa với nhiều lễ hội gắn với những di tích lịch sử từ ngàn đời.
Đoàn rước kiệu Ngọc Lộ từ Chùa Tháp sang đền Thiên Trường. (Nguồn: TTXVN) |
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghi lễ khai ấn đền Trần với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh vượng.
Ấn của nhà Trần khắc chữ “Trần triều điển cố” và “Tích phúc vô cương”. Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dày thì được hưởng lộc càng bền vững.
Biểu diễn múa sư tử tại Lễ rước kiệu Ngọc Lộ. (Nguồn: TTXVN) |
Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu Xuân hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông.
Lễ hội Khai ấn đền Trần Nam Định Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra từ ngày 20-25/2, với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc. Ban tổ chức dự kiến phát ấn cho du khách từ 5h sáng 24/2.
(theo TTXVN)