Sau khi xong mâm cúng, ông Trần Ban Trí ở quận 5 tung gần 10 triệu đồng ra đường cho nhiều thanh niên giành giật, để xua đi xui xẻo, chiều Rằm tháng 7.
15h, ngày 30/8 (Rằm tháng 7), ông Trần Ban Trí (áo trắng) bắt đầu bày biện mâm lễ cúng cô hồn tại cửa hàng ở góc đường Phùng Hưng – Trần Hưng Đạo B. Ông cho biết, ba đời gia đình ở khu vực này buôn bán thuốc, năm nào cũng làm lễ cúng cô hồn.
“Với người Hoa, tục cúng cô hồn là nghi lễ quan trọng trong tháng 7 âm lịch, nhất là với người kinh doanh”, người đàn ông 66 tuổi nói, cho biết việc cúng tế là cách để san sẻ sự bất hạnh với những linh hồn lang thang, để họ không quấy nhiễu, cho gia chủ được yên ổn làm ăn.
Các món đồ cúng gồm: nhang đèn, gạo, muối, rượu trắng, trái cây, mía, khoai, vàng mã… Tuỳ theo vùng miền, dân tộc mà mâm cúng cô hồn có thể thêm đồ mặn như heo quay; gà luộc; tôm, cua. Mâm cúng phải để ở ngoài trời hoặc hành lang. Theo ông Trí, người Hoa thường cúng cô hồn vào ngày đầu hoặc giữa các tháng trong năm nhưng lớn nhất vẫn là dịp tháng 7 âm lịch.
Từ lúc mâm cúng được bày biện, đã có nhiều thanh niên đứng ngoài cửa nhà ông Trí chờ giật lễ và tiền. Theo quan niệm dân gian, nếu mâm cúng cô hồn có người giật sẽ giúp gia chủ lấy đi những điều xui xẻo, điều không may. Từ đó, tục giựt cô hồn ra đời.
15h30, gia chủ bắt đầu cúng cô hồn, các que nhang được cắm xung quanh mâm lễ. Thời điểm thích hợp thường được chọn cúng là buổi chiều tối. Bởi quan niệm dân gian cho rằng ban ngày có ánh sáng mạnh khiến cô hồn yếu, khó có thể với tới vật phẩm cúng.
Khi nhang đã tàn, gia đình ông Trí chia nhau ra phía trước nhà để ném tiền, thường là mệnh giá 10.000-20.000 đồng. Cả góc phố Trần Hưng Đạo B – Đồng Khánh có gần trăm người chen nhau giành giật tiền trong khoảng 20 phút. Năm nay, gia chủ chi gần 10 triệu đồng để cúng cô hồn.
Ném tiền xong, ông Trí vẩy nước, gạo, muối ra khắp các hướng.
Hai túi vàng mã được gia chủ mang ra đường đốt. Đồ hoá vàng thường là quần áo, tiền âm phủ, giấy vàng mã…
Nghi lễ cúng cô hồn kết thúc khi tất cả đồ vàng mã cháy thành tro. Việc hoá vàng thường thực hiện ngoài nhà hoặc ở đường để vong hồn không theo vào nhà.
Kết thúc lễ cúng, gia đình ông Trí còn dành khoảng 500 phần quà gồm mì tôm, gạo, bánh kẹo cho người khó khăn.
Cúng cô hồn có nguồn gốc bắt nguồn từ Trung Quốc. Đạo giáo cho rằng từ Mùng 2 tháng 7 âm lịch, Diêm vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để cho ma quỷ đói được trở lại trần gian. Đến ngày 15 tháng 7 thì đóng cửa nên các vong hồn ma quỷ phải trở lại địa ngục.
Cúng cô hồn có ý nghĩa an ủi phần nào cho những linh hồn khốn khổ sống lang thang không nơi nương tựa, không người thờ phụng. Việc cúng nhằm giúp họ được hưởng hương hoa khi ở trần gian. Bên cạnh đó, nghi thức cúng còn nhằm xua đi xui xẻo, mang bình an cho bản thân và gia đình.
Tranh nhau giật tiền cúng cô hồn ở Sài Gòn. Video: Nguyễn Điệp – Tuấn Việt
Vnexpress.net