Trong mỗi gia đình, mỗi dòng tộc, hay các đình làng, miếu thờ,… từng dòng người đến để dâng lễ cúng đầu năm, mong những điều tốt đẹp đã trở thành mỹ tục đáng quý.
Tết là dịp để mọi người hướng về nguồn cội, đoàn tụ sum vầy, nghỉ ngơi vui chơi sau một năm làm việc vất vả. Tết cũng là cơ hội để lắng tụ, kết tinh lưu giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời mà cha ông đã truyền lại. Một trong những nét đẹp văn hóa rất đáng quý của người Việt đó là đi lễ chùa và dâng lễ cúng ở những nơi tâm linh trong dịp đầu năm mới.
Trong tâm thức người Việt, lễ cúng cầu an đầu năm không thể bỏ qua, được ông cha truyền tụng lâu đời, nét đẹp văn hóa tâm linh phi vật thể được gìn giữ và phát huy.
Mỗi địa phương, mỗi vùng miền có cách thức, tâm niệm khác nhau nhưng đều có chung một nhận thức rõ ràng, lễ cầu an được tiến hành vào dịp đầu năm mới. Bắt đầu từ dịp Tết Nguyên đán cho đến rằm tháng Giêng (15 âm lịch).
Lễ cúng đầu năm tại đền Huyền Trân được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại đền Huyền Trân, phường An Tây, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ hội là dịp để người dân địa phương và du khách thập phương tưởng nhớ công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân, người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi Đại Việt. Công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông, được gả cho vua Chămpa Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (nay là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).
Lễ hội đền Huyền Trân được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của bà, thể hiện lòng biết ơn và tri ân đối với vị công chúa tài sắc vẹn toàn, người đã hy sinh hạnh phúc cá nhân vì lợi ích chung của đất nước. Lễ hội cũng góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết cho thế hệ trẻ.
Sở dĩ lễ được làm dịp đầu năm, (đặc biệt là ngày rằm tháng Giêng), trong 12 tháng của năm, trăng rằm tháng Giêng là sáng nhất, lúc đó trời đất giao hoà, vạn vật sinh sôi, khí tiết thanh minh. Do đó gia chủ thường chọn ngày rằm tháng Giêng để làm lễ cúng gia tiên, để tỏ lòng thành kính, cầu an cho đại gia đình trong năm được hanh thông thuận lợi.
Lễ vật để cúng cầu an cũng không phức tạp, xuất phát từ tâm mà sắm lễ, mỗi vùng quê mỗi cách. Nhưng lễ chung quy lại, có hai thứ căn bản đó là lễ thờ gia tiên, thần linh và lễ thờ cúng Phật .
Tùy theo mức độ kinh tế, tấm lòng mà lễ vật sắm có khác nhau, nhưng cốt lõi không thể thiếu một mâm đủ năm loại ngũ quả (năm loại trái cây khác nhau được bày biện trên mâm), đèn nến, hương đăng, rượu, xôi, gà cúng hoặc thủ lợn (đầu lợn được làm kỹ và luộc chín), thủ lợn ngậm đuôi lợn.
Lễ vật được bày biện trên bàn thờ, cũng là lúc gia chủ châm hương bái nguyện, toàn bộ lễ vật được đem thờ cúng ngày lễ cầu an này hoàn toàn phải là đồ mới, không dùng lại đồ của ngày Tết dù chưa sử dụng .
Bài văn cúng lễ cầu an cũng tùy theo từng vùng miền, từng quan niệm, bài văn cúng ngắn gọn, súc tích, mang tính tín ngưỡng nhân văn, tính giáo dục con cháu hướng về tổ tiên nguồn cội, tin tưởng vào tâm linh để có được những ngày tháng bình yên may mắn.
Ông Nguyễn Văn Thiệu, Trưởng xóm Trầm (thôn Tân Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết: Xóm Trầm được hình thành hơn cả 100 năm trước đây do cha, ông chúng tôi xây dựng nên, trước kia nơi này là một vùng đất còn hoang sơ, cha ông chúng tôi đến đây để khai sơn lập địa. Đến nay cứ mỗi dịp tết đến xuân về (đúng vào ngày 10 âm lịch), con cháu trong xóm đóng góp tiền bạc để dâng lễ cúng cầu an đầu năm. Trước tiên để nhớ công ơn trước đây cha, ông đã có công xây dựng lên vùng đất này, sau nữa là cầu mong ơn trên phù hộ cho con cháu trong xóm một năm mới mọi điều tốt tươi, hạnh phúc và đặc biệt là để con cháu đoàn kết, xóm làng đông vui, để cùng nhau để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Điều đáng trân quý, lễ cầu an đầu năm ngày càng được nhân dân từ già cho tới trẻ lưu tâm, coi đó là một việc cần thiết phải làm để tỏ lòng nhớ ơn tiên tổ, mong muốn được xóa bỏ lỗi lầm trong cuộc sống để hướng tới những điều cao đẹp.
Đầu năm đến những nơi tâm linh để cầu nguyện là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Vấn đề là mỗi người cần phải nâng cao nhận thức và có cách ứng xử đúng đắn để vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truền thống của dân tộc, vừa thể hiện nét đẹp văn hóa du xuân mỗi dịp tết đến xuân về.