Bên vườn chùa, cây bồ đề xanh mướt có một kiểu “vẫy tay” rất đặc biệt, mỗi chiếc lá hình tim có chiếc cuống dài lắc qua lắc lại trong gió giống y như một bàn tay mềm mại, xinh xắn và sạch sẽ. Lũ chào mào đầu đội mũ ca nô nghiêng ngó trên tán lá tìm quả chín. Có lẽ chúng đã quá quen thuộc với sự có mặt của một con người đứng nhìn sang nên vẫn điềm nhiên hót ríu rít.
Trước mắt tôi, màu xanh cây lá có vẻ như lép vế trước bạt ngàn mái nhà cao thấp xanh đỏ. Xa thật xa, một cây cau cao vút vượt lên những mái nhà, kiên nhẫn xòe chiếc ô xanh trông bé nhỏ và cô đơn quá đỗi.
Làng tôi bây giờ, cây cau giàn trầu thi thoảng vẫn còn bắt gặp chứ bể nước mưa hầu như không tìm được nữa, đơn giản vì làng quê giờ đã có nước máy. Những mái ngói có gắn chiếc máng làm từ thân cau để dẫn nước mưa vào chiếc bể xi măng là những thứ chỉ có thể gặp khi tôi còn bé.
Cây cau nhỏ như một tán ô xanh đang lắc lư trong gió phía xa kia làm tôi nhớ đến tán ô xanh ngày nào trong sân nhà khi mình còn bé tí. Hồi ấy hầu như nhà ai trong làng tôi cũng có trồng cau trước sân nhà bởi quan niệm “chuối đằng sau, cau đằng trước”.
Cây cau duy nhất trong sân nhà với tôi như một người bạn, mỗi chiếc mo cau của nó rụng xuống tặng cho chúng tôi một chiếc xe kéo trượt thần kỳ. Chả có đứa nào trong cái xóm nhỏ ngày ấy mà không từng rách tan đít quần vì chơi trò kéo xe đó.
Cũng từ chiếc mo cau rụng ấy, bố tôi bện chặt những chiếc lá vào thân cây cau, phần mo tạo thành một cái máng để mỗi khi trời mưa to, nước từ thân cau chảy xuống chiếc chum đặt bên dưới gốc như một vòi nước chảy từ trên trời xuống.
Mỗi khi mưa to, vòi nước chảy xối xả, mạnh đến mức dòng nước vọt ra khỏi miệng chum. Chúng tôi sẽ chờ lúc ấy để chạy ra sân sửa lại máng nước, thực tình là để nô đùa, tắm mưa thỏa thích, bù vào những khi nắng, giếng khơi cạn trơ đáy phải tắm dè từng gáo nước nhỏ.
Có vẻ như đám rôm sảy trên người chúng tôi lặn đi thấy rõ sau những trận tắm mưa như thế. Tôi không rõ nước mưa có tác dụng thần kỳ như thế thật hay là do không khí sau mưa mát mẻ làm những vệt ngứa ấy dịu đi, chỉ biết mưa làm cả lũ trẻ con mình khét nắng bớt đi nỗi khổ sở do rôm sảy cắn.
Khi trận mưa đầu mùa tới, sẽ chẳng có nhà ai vội bắc máng hứng nước vào bể mà mọi người sẽ chờ đến những trận mưa sau, khi mái nhà, ngọn lá đã trở nên sạch sẽ, bụi bặm hoặc rêu bám trên đó đã được rửa trôi hết thì chiếc máng mới được bắc cho chảy vào bể. Lúc đó nước mưa đã trở nên trong vắt không một chút cặn bẩn.
Hương vị mát lạnh ngọt ngào của nước mưa chứa trong chum sành hay bể xi măng có rắc những đốm hoa cau trắng thơm ngát là loại nước giải khát quen thuộc của chúng tôi suốt nhiều năm thơ bé.
Một ngày nọ, bố tôi quyết định hạ cây cau xuống để lấy thân xẻ đôi làm máng hứng nước mưa. Mái ngói bên hiên nhà tôi cần một chiếc máng dài để hứng nước bắc vào bể chứa. Tính ra cả mái ngói ấy sẽ hứng được lượng nước nhiều hơn hẳn lượng nước hứng từ thân cau.
Nước mưa rất đặc biệt, nó ngọt thanh chứ không ngang ngang mằn mặn như nước giếng khơi chị tôi hay gánh về, nếu dùng hãm nước chè xanh thì rất tuyệt. Chỉ có một điều, nếu dùng để giặt giũ, chúng tôi sẽ không được dùng xà phòng bởi nước mưa khó có thể tẩy hết bọt xà phòng, cảm giác bàn tay cứ nhớt mãi và mùi xà phòng vẫn đọng lại trên quần áo. Mỗi lần đi chơi hay đi học về là chúng tôi đều dùng cái gáo dừa đã lên nước đen bóng múc từ trong bể ra một gáo lớn uống là thấy hạ ngay cơn nóng bức.
Tất nhiên, ngày ấy nơi chúng tôi sống chẳng ai biết gì đến cụm từ “ô nhiễm môi trường” hay “nước mưa chứa nhiều chất độc hại” cả, bởi xung quanh làng mạc là đồng lúa xanh bát ngát, chẳng có nhà máy hay xưởng sản xuất nào nhả khói bụi lên bầu trời như bây giờ.
Vào mùa hè, mỗi sáng sớm, mùi hoa cau thoảng qua trong gió làm không gian thanh khiết và mát mẻ vô cùng. Tôi đã từng nghĩ chưa có một mùi hương nào đem đến cho mình sự sảng khoái dễ chịu hơn mùi hương cau ngày ấy. Cây cau nhà tôi sau nhiều năm đã trở nên cao vút do nó đã trải qua nhiều mùa mưa nắng. Cái sự cao của nó cũng có một phần là do mỗi khi thay một tàu lá cũ, nó để lại những đốt thân dài gần bằng gang tay chứ không mau, ngắn bằng đốt tay như những cây cau khác.
Nó cũng không phải cây cau cho quả tốt, buồng đã nhỏ, cành cứng, quả thưa lại còn nhọn hoắt như những viên đạn sắt. Chẳng có ai thích ăn trầu bằng loại cau cứng và không ngon ấy.
Một ngày nọ, bố tôi quyết định hạ cây cau xuống để lấy thân xẻ đôi làm máng hứng nước mưa. Mái ngói bên hiên nhà tôi cần một chiếc máng dài để hứng nước bắc vào bể chứa.
Tính ra cả mái ngói ấy sẽ hứng được lượng nước nhiều hơn hẳn lượng nước hứng từ thân cau. Chưa kể nước từ mái ngói đỏ au có vẻ như sạch hơn bởi trên ngọn cây, lũ chim sẻ luôn tha rác về làm tổ. Lúc cây cau bị chặt đi, tôi phải mất một thời gian khá dài để quen với khoảng trống nó để lại trên nền trời.
Sau vài mùa mưa bão, tôi cũng quên mất cái cảm giác lo lắng đến thắt ruột mỗi khi trời nổi gió, cây cau vặn mình nghiêng ngả tưởng như có thể bật gốc đến nơi.
Nhà tôi có một chiếc bể xây bằng gạch lục và trát xi măng bóng loáng. Tháng tư đã bắt đầu có mưa rào, bố tôi hay nghe thời tiết và dựa vào kinh nghiệm để phán đoán khi nào trời sẽ có mưa to. Ví như nếu thấy lũ kiến hối hả ôm những bọc trứng xếp hàng leo tít lên cao thì chắc chắc trời sắp sửa có mưa lớn kéo dài.
Cái bể lúc ấy sẽ được thau rửa sạch sẽ, chúng tôi có nhiệm vụ ra bờ ao ngó nghiêng xem chỗ nào có đất thó xanh để mang về cho bố dùng bít cống thoát nước của cái bể. Đất thó xanh có độ dẻo dính và có sức kết nối vô địch, mỗi khi rửa bể nước xong, bố tôi sẽ dùng nó để trét và khe hở của miếng nút gỗ ở chỗ thoát nước đó.
Hồi ấy, chẳng có một vật liệu nào ngoài đất thó xanh có thể khiến nút cống bể nước không bị rò rỉ, điều này quan trọng vô cùng vì nếu cống bị rò thì bao nhiêu công hứng nước sẽ đi tong.
Đã có lần, sau trận mưa đêm rất lớn, cái bể nhà tôi cạn trơ đáy. Hóa ra mưa to quá, hạt mưa đánh vào chỗ cống hồi chiều mới được bít bằng một loại đất khác không phải đất thó xanh, nó không chịu nổi nước mưa nên tan rã, bể bị chảy suốt đêm khiến nước cạn ráo. Nguyên nhân do chiều hôm trước, vì mải chơi nên tôi lấy vội một chút đất không phải đất thó xanh mang về bít cống.
Bài học ấy tôi nhớ mãi không quên nên bờ ao chỗ nào có thứ đất ấy tôi nhớ như in trong đầu, dù có phải khó đến mấy vẫn phải lấy cho bằng được mỗi khi thau rửa bể nước.
Đêm qua, lúc ngồi nghe cơn mưa đang hối hả quất những hạt nước xuống mặt đất, câu đồng dao quen thuộc ngày nào lại trở về trong tôi sống động. Tôi thấy mình đang cùng những đứa trẻ đầu trần, môi tím ngắt vì lạnh nhảy nhót reo hò giữa cơn mưa trắng xóa. Mưa càng to chúng tôi càng phấn khích, vừa sung sướng chỉnh lại chiếc máng dẫn nước mưa chảy vào đúng miệng bể vừa hét vang cả xóm nhỏ:
“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…”
Nguồn: https://daidoanket.vn/lay-troi-mua-xuong-10282620.html