Hội Phụ nữ xã Khánh Cường hiện có 21 chi hội với 1.169 hội viên. Tỷ lệ thu hút hội viên đạt 87%. Hội viên phụ nữ chủ yếu làm nông nghiệp, ngoài ra còn làm các nghề thủ công, một phần phụ nữ tham gia làm việc tại các khu công nghiệp và các ngành, nghề khác.
Chị Bùi Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Cường cho biết: Từ một cô giáo dạy mầm non, năm 2011 tôi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Chuyển sang công tác ở một lĩnh vực mới, ban đầu tôi khá bỡ ngỡ. Sau một thời gian, được làm việc và nắm bắt được những mong muốn của chị em phụ nữ, tôi thấy gắn bó, yêu mến công việc của mình, muốn đem lại niềm vui cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Xác định công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội, để thu hút các đối tượng phụ nữ khác nhau, chị Bùi Thị Hà cùng Ban Thường vụ Hội LHPN xã chú trọng đổi mới các hoạt động Hội, khai thác ứng dụng hiệu quả CNTT, internet, các mạng xã hội trong điều hành hoạt động Hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ của hội viên phụ nữ, phù hợp với thời kỳ đổi mới.
Hội xây dựng và ra mắt mô hình “Chi hội thu hút 100% hội viên” nhằm tập hợp, thu hút hội viên theo đối tượng, ngành nghề, sở thích, độ tuổi. Thành lập điểm CLB dân vũ thể thao với 40 thành viên tham gia. Mời giáo viên về hướng dẫn, tổ chức luyện tập vào các buổi tối. Hoạt động của CLB dân vũ đã thu hút được sự hưởng ứng đông đảo của cán bộ, hội viên phụ nữ. Đến nay, đã nhân rộng ra 21 CLB dân vũ tại 21 chi hội, 1 CLB zumba, với trên 600 thành viên tham gia luyện tập thường xuyên, góp phần nâng cao sức khỏe, tạo thành phong trào sôi nổi trên địa bàn xã.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bùi Thị Hà cùng với hội viên phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động trên mạng xã hội zalo, facebook; tạo điều kiện để chị em giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các thành viên và ý kiến đóng góp với Hội Phụ nữ xã và Hội cấp trên. Các hoạt động này góp phần cung cấp các kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, hỗ trợ phụ nữ rèn luyện nâng cao sức khỏe, thu hút phụ nữ ở nhiều độ tuổi, ngành nghề tham gia vào tổ chức Hội.
Để có điều kiện chăm lo và tổ chức các hoạt động Hội, các chi hội đã phát động hội viên thực hành tiết kiệm, huy động nguồn xã hội hóa của con em quê hương đối với phong trào, hoạt động công tác Hội. Trong đó, mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ hội” gắn với “Phân loại và xử lý rác thải tại nguồn” được Hội Phụ nữ xã quan tâm triển khai từ cuối năm 2020. Hội Phụ nữ xã đã họp phát động thi đua đến từng chi hội, tuyên truyền, vận động và chia sẻ mục đích, ý nghĩa của mô hình và hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác.
Vào ngày thứ 7 hằng tuần, chi hội tổ chức thu gom phế liệu như chai nhựa, lon bia, giấy báo cũ… do các gia đình tích góp lại để ủng hộ mô hình. Số tiền được tổng hợp và công khai tại chi hội 6 tháng/lần. Số quỹ thu được từ hoạt động bán phế liệu dùng để thăm hỏi, giúp đỡ hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình đã được đông đảo hội viên phụ nữ ủng hộ tích cực bởi việc gom phế liệu không chỉ làm sạch môi trường mà còn mang lại hoạt động ý nghĩa là hỗ trợ đối tượng khó khăn, đồng thời giáo dục ý thức tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Hội Phụ nữ xã Khánh Cường cũng tập trung xây dựng và phát triển các mô hình, góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Trong đó, danh xưng “Miền quê đáng sống” đã được nhiều người đặt cho xã Khánh Cường. Để có được sự công nhận ấy, ngoài sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương còn có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp phụ nữ trong xã.
Nổi bật là mô hình “Chi hội nhà sạch, đường đẹp”, ban đầu chọn 1 chi hội làm điểm với 10 hộ dân tham gia. Phân công cán bộ Hội xã, Chi hội trưởng phụ nữ phối hợp với Ban công tác Mặt trận thôn thường xuyên xuống tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình cách sắp xếp, bài trí nhà cửa, sân vườn gọn gàng khoa học, tích cực động viên, khích lệ các hộ gia đình làm tốt. Tuyên truyền các hộ gia đình tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm hàng tuần, trồng cây trồng hoa, xây dựng các vườn mẫu, tuyến đường hoa kiểu mẫu tại khu dân cư.
Hội Phụ nữ xã cũng phát huy vai trò cầu nối, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hiến đất, góp công, góp sức làm đường giao thông nông thôn; tham gia bảo vệ các tuyến đường tự quản; vệ sinh môi trường. Từ hiệu quả của mô hình điểm, hiện đã nhân diện ra 21/21 chi hội. Đến nay, toàn xã trồng được 28 km đường cây, đường hoa với trên 90 vạn cây Mắt ngọc, 250 cây Sấu, hoa Ban, hàng nghìn cây xanh các loại, trên 500 chậu hoa Giấy đặt trên các trục đường xã, đường xóm và trung tâm nhà văn hóa các xóm. Hiện có 16/21 xóm đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình bằng men vi sinh” hiện đã phát huy hiệu quả tích cực, được nhân rộng tại 17/21 xóm, với trên 800 hộ tham gia. Khi bắt tay vào thực hiện mô hình, do thay đổi thói quen phân loại rác trong mỗi gia đình trong khi địa phương chưa có cơ chế xử lý rác đã phân loại, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác cho hội viên phụ nữ. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền có quy định chỉ thu gom rác đã phân loại; huy động kinh phí mua tặng 500 xô, thùng phân loại rác, men xử lý rác cho các hộ gia đình.
Hội Phụ nữ xã cũng đã tặng 200 làn nhựa để chị em đi chợ, giảm sử dụng túi nilon. Mô hình đã và đang tạo ra cho người dân ý thức phân loại rác tại gia đình và biết xử lý tận dụng rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng, hoa màu, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng rác thải ra môi trường từ 50-60%, tiết kiệm chi phí, ngày công cho đội thu gom rác thải và cho người dân.
Từ hiệu quả của các mô hình đã tập hợp, thu hút ngày càng đông đảo hội viên tham gia tổ chức Hội, xây dựng Hội vững mạnh, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng xã Khánh Cường đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2022. Cá nhân Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bùi Thị Hà cũng nhận được nhiều phần thưởng, sự ghi nhận của chính quyền, Hội Phụ nữ các cấp. Đặc biệt là sự tin tưởng, yêu mến, làm theo của các hội viên, phụ nữ trong xã.
Bài, ảnh: Huy Hoàng