Công ty có trụ sở tại Thẩm Quyến ra mắt CPU Powerstar P3-01105 thế hệ đầu tiên vào đầu tháng trước. Chủ tịch Li Ruijie cho biết, con chip này được thiết kế chủ yếu cho máy tính để bàn trên thị trường thương mại, dựa trên kiến trúc x86 của Intel dưới sự hợp tác với công ty Mỹ.
Tuy nhiên, các tài liệu tiếp thị sản phẩm do Powerleader xuất bản không đề cập đến bất kỳ thỏa thuận nào với Intel. Sau sự kiện ra mắt, một số chuyên gia và người đam mê công nghệ ngay lập tức nhận ra những điểm tương đồng của CPU này với sản phẩm của Intel. Họ nói rằng CPU Powerleader mới là phiên bản cải tiến từ bộ xử lý Intel cũ hơn.
Các thông số kỹ thuật và hiệu suất của chip Powerstar do Geekbench (Canada) công bố vào cuối tháng 5 cho thấy, bộ xử lý này giống hệt CPU Core i3-10105 Comet Lake của Intel. Trong khi đó, Tom’s Hardware, website đánh giá và tin tức công nghệ nổi tiếng, cũng chỉ ra một số yếu tố thiết kế và thuộc tính vật lý giống hệt nhau giữa hai con chip.
Điều này dẫn đến cáo buộc cho rằng, công ty Trung Quốc đã phóng đại sản phẩm như một nỗ lực tự chủ công nghệ trong nước, nhằm nhận trợ cấp từ chính phủ. Hiện Bắc Kinh đã và đang tăng cường hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn thông qua các khoản trợ cấp và tài trợ trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ với Washington không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong một tuyên bố được Li đăng trên Weibo, Powerleader tái khẳng định chip Powerstar là một “sản phẩm tùy chỉnh được phát triển dưới sự hỗ trợ của Intel”. Bên cạnh việc gỡ bỏ những nội dung tiếp thị trực tuyến về bộ vi xử lý mới, công ty cho biết đã không xin bất kỳ khoản trợ cấp nào của chính phủ trong quá trình phát triển vi xử lý này.
Song, Powerleader không làm rõ hoặc cung cấp bất kỳ chi tiết nào về cách thức họ tuỳ chỉnh với bộ xử lý Intel.
Phóng đại năng lực tự chủ công nghệ trong nước
Ngày 6/5, công ty Trung Quốc tiếp tục nói rằng, sản phẩm mới ra mắt đánh dấu “một bước quan trọng trên hành trình đạt được sự độc lập và kiểm soát kiến trúc chip x86 trong nước.” Powerleader có kế hoạch xây dựng 9 cơ sở sản xuất trên khắp đại lục và đặt mục tiêu doanh số 1,5 triệu chiếc mỗi năm.
Tuy nhiên, theo trang tin Caixin, các chuyên gia bán dẫn bày tỏ sự nghi ngờ về việc liệu Powerleader có đủ năng lực tự sản xuất chip hay không, do công ty này không đầu tư mạnh tay cho dây chuyền sản xuất, cũng như không có chuyên môn để nắm bắt đầy đủ công nghệ đằng sau CPU của Intel.
Powerleader, thành lập năm 2003, chủ yếu sản xuất máy chủ và máy tính cá nhân. Theo một báo cáo được công bố bởi nhà nghiên cứu thị trường IDC, công ty chiếm ít hơn 5% thị phần thị trường máy chủ tại Trung Quốc vào năm 2022.
Một số nhà quan sát đã so sánh vụ việc với bê bối năm 2006 khi Chen Jin, hiệu trưởng kiêm giáo sư nổi tiếng của Đại học Giao thông Thượng Hải, đã lừa đảo tài trợ của chính phủ, khi làm giả nghiên cứu về bộ xử lý tín hiệu số Hanxin, sau đó bị vạch trần là một phiên bản chip Motorola.
Các chuyên gia cho biết, trường hợp của Powerleader khác với vụ bê bối chip Hanxin ở chỗ trước đó, công ty từng có một thoả thuận kinh doanh với Intel. Do đó, có thể họ đã “nói quá” về năng lực tự chủ công nghệ trong hoạt động tiếp thị sản phẩm, nhập nhèm trong việc phân biệt chip tự phát triển và chip tuỳ chỉnh.
(Theo Nikkei Asia)