Thông tin chiến sự
Ukraine tấn công bến phà ở Crimea. Bộ Tổng Tham mưu Ukraine cho biết, lực lượng nước này đã tấn công bến phà Kerch của Nga ở bán đảo Crimea (hiện do Nga kiểm soát) vào rạng sáng 30/5.
Theo phía Ukraine, bến phà đã bị tấn công bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp. Hậu quả của cuộc tấn công là hai chiếc phà bị hư hại đáng kể. Một trong những chiếc phà bị tấn công đã bị mắc kẹt và được cho là đã làm gián đoạn hoạt động của toàn bộ bến phà Kerch.
Trong khi đó, về phía Nga, lãnh đạo cơ quan giao thông vận tải của Crimea, ông Nikolay Lukashenko cho biết, hoạt động của bến phà Kerch đã được khôi phục sau cuộc tấn công của Ukraine.
Theo ông Lukashenko, Ukraine đã tấn công vào các cơ sở hạ tầng ở Krech và các mảnh tên lửa bị đánh chặn đã làm hư hỏng một số ô tô và phà, rất may là không có thương vong nào.
Bộ Tổng Tham mưu Ukraine cho biết, có 116 cuộc giao tranh trên tiền tuyến trong ngày qua. Ảnh: RIA Novosti |
116 cuộc giao tranh trên tiền tuyến. Bộ Tổng Tham mưu Ukraine thông báo, trong ngày qua giữa Ukraine và Nga đã xảy ra tổng cộng 116 cuộc giao tranh trên khắp chiến tuyến và điểm nóng vẫn là Kharkiv và Donetsk.
Theo phía Ukraine, ở Donetsk, trên các hướng Lyman, Siversk, Kramatorsk, giao tranh vẫn xảy ra ác liệt nhưng quân Ukraine vẫn chủ động được tình thế. Riêng ở hướng Pokrovsk, Ukraine chặn 2 cuộc tấn công của Nga gần khu định cư Sokil.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng nước này tiếp tục tiến sâu vào phòng tuyến của Ukraine ở Kharkiv, tấn công gây thiệt hại cho một số lữ đoàn Ukraine ở khu vực này cũng như ngăn chặn 2 cuộc phản công của Ukraine. Tại Kharkiv, Ukraine đã mất 225 lính, 1 xe tăng, 2 xe chiến đấu bọc thép, 2 xe cơ giới, cùng một số hệ thống pháo D-20, D-30.
Một số diễn biến liên quan
Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công Nga. Lầu Năm Góc xác nhận chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí Mỹ trên lãnh thổ Nga.
“Tổng thống Biden gần đây đã chỉ đạo cấp dưới đảm bảo rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho cuộc chiến chống pháo kích ở Kharkov, để Ukraine có thể đáp trả các lực lượng Nga đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công khu vực này”, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Quan chức này cũng khẳng định: “Lập trường của chúng tôi về lệnh cấm sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS hoặc vũ khí tầm xa ở Nga vẫn không thay đổi”.
Nhiều nước NATO phản đối thành lập quỹ 100 tỷ euro cho Ukraine. Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky cho biết cuộc phỏng vấn với cổng thông tin Euractiv rằng, một số quốc gia NATO không ủng hộ ý tưởng thành lập quỹ 100 tỷ euro để hỗ trợ lâu dài cho Ukraine.
“Chúng tôi hiểu rằng có những quốc gia rất nghi ngờ về việc thành lập quỹ cho Ukraine”, ông Lipavsky nói khi bình luận về ý tưởng do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất.
Theo ông Lipavsky, đại diện của một số quốc gia NATO đã bày tỏ nghi ngờ về tính khả thi của việc thành lập quỹ, cũng như về cách thức chính xác mà dòng tiền sẽ chảy vào.
Trước đó, Tổng thư ký Stoltenberg đã chính thức gửi đề xuất tới các thành viên của liên minh để huy động 100 tỷ euro trong quỹ đặc biệt hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong 5 năm.
Theo Bloomberg, số tiền này sẽ được chuyển đến Kiev như một phần của thỏa thuận trọn gói mà lãnh đạo các nước liên minh sẽ phải ký tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào ngày 9-11/7 tại Washington.
Phía Nga nhiều lần nhấn mạnh, sự giúp đỡ của phương Tây chỉ kéo dài xung đột ở Ukraine chứ không làm thay đổi cục diện trên chiến trường.
NATO kêu gọi các đồng minh tham vấn về khả năng gửi quân tới Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các đồng minh nên tham khảo ý kiến lẫn nhau trước khi đưa ra các quyết định về việc gửi quân tới Ukraine, vì một động thái như vậy sẽ ảnh hưởng đến các nước khác.
“Điều quan trọng là các đồng minh NATO phải tham khảo ý kiến của nhau về tất cả những vấn đề”, ông Stoltenberg nói.
Theo Tổng thư ký Stoltenberg: “Sức mạnh của NATO là nếu có cuộc tấn công vào một đồng minh nghĩa là tấn công vào tất cả các nước. Nhưng mặt khác những gì một đồng minh làm sẽ ảnh hưởng đến những đồng minh khác”.
“Chúng tôi thấy các cuộc tấn công kết hợp hoặc tấn công mạng hầu như hàng ngày và chúng tôi không thể viện dẫn Điều 5 về phòng thủ tập thể mỗi khi chúng tôi thấy một cuộc tấn công như vậy”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Quốc gia NATO cho phép Ukraine dùng F-16 tấn công Nga. Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen cho biết, Ukraine sẽ được phép sử dụng tiêm kích F-16 do Đan Mạch cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Khi được hỏi liệu Ukraine có được phép sử dụng tiêm kích F-16 mà Đan Mạch chuyển giao để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga hay không, ông Rasmussen nói “câu trả lời ngắn gọn là có”.
“Đây không phải là quan điểm mới, nó là một phần của quá trình chuyển giao. Chúng tôi đã nói rõ ngay từ đầu với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đan Mạch rằng, đây là một phần của hoạt động tự vệ, nên F-16 sẽ có thể tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga”, Ngoại trưởng Đan Mạch giải thích.
Nga dọa răn đe hạt nhân. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, nước này có thể thực hiện các bước bổ sung trong lĩnh vực răn đe hạt nhân nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu và châu Á.
“Chúng tôi không loại trừ các bước bổ sung trong lĩnh vực răn đe hạt nhân, bởi vì các trung tâm chỉ huy và vị trí lực lượng hạt nhân của chúng tôi sẽ nằm trong tầm của tên lửa của Mỹ“, ông Lavrov nhấn mạnh.
Theo ông Lavrov, Nga xem việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine theo kế hoạch của các nước phương Tây là “hành động báo hiệu” của NATO trong lĩnh vực hạt nhân. “Họ đang cố gắng nói với chúng tôi rằng Mỹ và NATO sẽ không dừng lại ở Ukraine”, ông Lavrov nói.
Nguồn: https://congthuong.vn/chien-su-nga-ukraine-hom-nay-ngay-3152024-lau-nam-goc-xac-nhan-my-cho-phep-ukraine-dung-vu-khi-tan-cong-nga-323399.html