Sự bối rối của Lầu Năm Góc
Dư luận những ngày qua xôn xao việc một loạt các tài liệu mật của Lầu Năm Góc liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, trong đó có kế hoạch hỗ trợ Kiev, cùng hàng loạt vấn đề quốc tế khác bị rò rỉ.
Theo các nhà phân tích, số lượng tài liệu mật này lên tới 100 trang, trong đó New York Times đã tiếp cận hơn 50 trang. Những tài liệu được chia sẻ trên mạng xã hội dưới dạng ảnh chụp.
Hai quan chức cấp cao của Mỹ nói với Washington Post rằng, sau sự cố trên, Lầu Năm Góc đã “hạn chế dòng chảy tin tức tình báo”, một sự hạn chế bất thường cho thấy “mức độ hốt hoảng” của giới chức quân sự Mỹ.
Những thông tin trong tài liệu mật này thể hiện mức độ thâm nhập sâu sắc của Mỹ vào các cơ quan an ninh và tình báo của Nga. Ví dụ, một báo cáo chứng minh rằng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang sử dụng các thông tin liên lạc bị chặn để theo dõi các cuộc thảo luận bên trong Bộ Quốc phòng Nga. Nó cũng cho thấy Washington có khả năng cảnh báo Ukraine về các kế hoạch tấn công cũng như đánh giá sức mạnh quân sự của Moscow.
Tài liệu chứa những cảnh báo hàng ngày theo thời gian thực gửi đến các cơ quan tình báo của Mỹ về thời điểm Moscow có thể tấn công và thậm chí mục tiêu tấn công cụ thể ở Ukraine. Những thông tin như vậy cho phép Washington chuyển đến Kiev thông điệp quan trọng để phòng vệ.
Ví dụ, một tài liệu nói đến kế hoạch của Nga tập kích tên lửa vào lực lượng Ukraine ở một số vị trí cụ thể tại Odessa và Mykolaiv hôm 3/3 – cuộc tấn công mà Mỹ tin rằng được thiết kế để phá hủy khu vực chứa máy bay không người lái, súng phòng không của Ukraine. Đến cuối tháng 3, Moscow tuyên bố đã phá hủy một nhà chứa máy bay không người lái của Ukraine gần Odessa. Thời điểm đó, các nhà phân tích nói Moscow tấn công Mykolaiv và các thành phố khác ở Ukraine nhưng là ngẫu nhiên. Hiện chưa rõ liệu những cảnh báo của Mỹ có giúp Kiev hạn chế tổn thất do cuộc tấn công gây ra hay không.
Ngoài những cảnh báo này, tài liệu còn bao gồm thông tin đánh giá về thực trạng năng lực của quân đội Nga. Một báo cáo hồi tháng 2 của Trung tâm chỉ huy Quốc phòng Nga nói đến sự suy giảm khả năng tác chiến của các lực lượng Nga ở miền Đông Ukraine.
Một tài liệu khác đề cập đến kế hoạch tuyên truyền của Cơ quan Tình báo Quân sự Nga (GRU). Theo tài liệu này, GRU lên kế hoạch tung thông tin trên các phương tiện truyền thông châu Phi nhằm khiến cử tri châu Phi phản đối các nhà lãnh đạo ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine và làm mất uy tín của Ukraine, Mỹ, Pháp.
Tài liệu cũng chỉ ra những thách thức mà Ukraine đang phải đối mặt như tình trạng thiếu hụt đạn dược hay đà tiến của quân đội Nga xung quanh thành phố miền Đông Bakhmut. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ rằng, Mỹ dường như nắm được nhiều thông tin liên quan đến chiến dịch của Nga hơn là của Ukraine.
Một trong số các tài liệu đề cập đến đánh giá của Mỹ về con số thương vong của cả Nga và Ukraine. Cụ thể, thương vong của Nga khoảng 189.500 đến 223.000 người, trong đó 43.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, mức độ thương vong ở phía Ukraine ước tính từ 124.500 đến131.000 người, trong đó 17.500 trường hợp thiệt mạng.
Theo hãng tin Wall Street Journal, giới chức Mỹ ngày 8/4 bắt đầu đánh giá tác động của vụ rò rỉ có thể coi là bê bối tình báo gây thiệt hại nặng nề nhất trong nhiều thập niên trở lại đây. Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã mở cuộc điều tra để nhanh chóng xác định nguồn rò rỉ thông tin.
Một số quan chức Mỹ cho rằng, mặc dù một số tài liệu đã xuất hiện từ hai tháng trước, nhưng việc tiết lộ chúng có thể ảnh hưởng đến cuộc xung đột ở Ukraine vì chúng nhằm mục đích chỉ ra các điểm yếu tiềm ẩn trên chiến trường và tiết lộ thành phần của một số đơn vị trong lực lượng vũ trang Ukraine.
Về phía Ukraine, giới chức nước này khẳng định tài liệu mật “đã bị sửa đổi hoặc giả mạo”, mục đích là để “gieo rắc sự hoài nghi giữa các đối tác của Ukraine”.
Rủi ro tiềm tàng
Vụ rò rỉ có thể ảnh hưởng đến hoạt động thu thập thông tin tình báo của Mỹ bởi vì nó sẽ lộ ra cơ quan nào của Nga mà Washington nắm rõ nhất, từ đó sẽ cho Moscow cơ hội ngăn chặn.
Giới chức phương Tây và các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động của vụ rò rỉ, nhưng nếu Nga xác định được cách Mỹ thu thập thông tin và cắt đứt nguồn tin đó, thì nó có thể ảnh hưởng đến tình hình trên chiến trường Ukraine.
Ngoài ra, vụ rò rỉ nhiều khả năng sẽ làm phức tạp hơn quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, làm dấy lên hoài nghi về sự tin cậy của Mỹ trong việc bảo mật.
Sau khi đánh giá tài liệu, một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây nói rằng, vụ rò rỉ có thể sẽ làm hạn chế việc chia sẻ thông tin tình báo bởi hoạt động này vốn đòi hỏi sự tin tưởng và cam kết từ các đồng minh và đối tác rằng những thông tin nhạy cảm sẽ được giữ bí mật.
Ngoài ra, nó cũng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ ngoại giao. Tài liệu bị rò rỉ cho thấy Mỹ không những do thám Nga mà có thể cả các đồng minh, trong đó có giới lãnh đạo chính trị, quân sự của Ukraine để có cái nhìn rõ ràng hơn về chiến lược của Kiev. Các tài liệu dường như cũng có thông tin tình báo về các vấn đề nội bộ ở nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh của Mỹ là Israel, Hàn Quốc và Anh.
Đại diện đảng Cộng hòa Mike Gallagher, thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết ông mong đợi các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ thông báo cho các nhà lập pháp về vấn đề này khi Quốc hội nhóm họp trở lại vào tuần tới.
“Có vẻ như đây là một vấn đề lớn về phản gián, thực tế là những tài liệu này đã bị rò rỉ. Chúng tôi đang nói về những thứ có thể gây tổn hại cho an ninh quốc gia và các nỗ lực của CIA ở châu Âu và trên toàn thế giới”, ông nói.