Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục dung túng cho hành vi trốn tránh các lệnh trừng phạt chống lại Nga và Belarus, khiến các quốc gia ở tuyến đầu như Latvia khó thực thi các biện pháp hơn, Ngoại trưởng Latvia Baiba Braže nói với Politico hôm 23/7.
“Có một vấn đề nghiêm trọng về cách các nước EU thực sự thực hiện các lệnh trừng phạt và xuất khẩu hàng hóa sang cả Nga và Belarus”, bà Braže cho biết trong một cuộc phỏng vấn sau khi trở về từ chuyến đi thực tế kéo dài 2 ngày tới Latgale, một vùng dân cư thưa thớt ở biên giới Latvia với Nga và Belarus.
Vấn đề đau đầu
Hơn 2 năm kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và EU thông qua 14 vòng trừng phạt chống lại Moscow, việc thực thi vẫn là vấn đề đau đầu đối với khối 27 quốc gia.
Mặc dù các biện pháp đã được thống nhất ở cấp độ liên minh, nhưng việc đưa chúng vào thực tế là trách nhiệm của từng quốc gia thành viên, và ước tính có sự tham gia của khoảng 160 cơ quan. Các nước thành viên EU giáp biên giới Nga phải đối phó với dòng chảy thương mại khổng lồ từ các nền kinh tế lớn hơn nhiều như Đức.
Latvia là một trong số ít quốc gia EU đã củng cố các nỗ lực thực thi của mình trong một cơ chế trừng phạt một cửa, với việc cơ quan tình báo tài chính của quốc gia vùng Baltic đã nhận trách nhiệm này từ hồi tháng 4.
Tuy nhiên, Riga thiếu nhân lực và vật lực để kiểm tra dòng chảy thương mại từ toàn khối, trong khi nỗ lực của Brussels từ đầu năm nay nhằm tập trung thực thi các lệnh trừng phạt của EU đã không đi đến đâu.
Hình ảnh Ngoại trưởng Latvia Baiba Braže trong chuyến công tác thực tế tới vùng Latgale ở biên giới Latvia với Nga và Belarus, ngày 18-19/7/2024. Ảnh: X/Twitter
Bà Braže nói với Politico rằng bà đã nêu lên mối lo ngại của Latvia tại cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao EU hôm 22/7. Bà nói: “Tôi thảo luận về những gì tôi đã thấy trong chuyến đi với các đồng nghiệp của tôi ở EU, vì đây là gánh nặng phải được chia sẻ giữa tất cả các nước EU”.
“Các đồng nghiệp của chúng tôi từ các cơ quan biên phòng và hải quan hiện đang chịu toàn bộ trách nhiệm thay mặt cho EU bằng cách giám sát việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt và ngăn chặn các hành vi vi phạm hoặc né tránh. Hiện tại, công việc đang diễn ra trong điều kiện cường độ ngày càng tăng và đòi hỏi tài lực và nhân lực bổ sung”, bà Braže nói.
Nhà ngoại giao cho biết Latvia không đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia nào và cho rằng các bên có thể hành động một cách thiện chí. Tuy nhiên, bà nói, một số hàng hóa qua biên giới và có vẻ như được sử dụng cho mục đích dân sự có thể sẽ đến chiến trường.
Muôn kiểu né tránh
Sau chuyến đi thực tế hôm 18-19/7, bà Braže cho biết đã nhìn thấy ở vùng Latgale “một quá trình có ý thức nhằm che giấu một số thứ nhất định”. Có vô số cách để ngụy trang hàng cấm, ví dụ ô tô hoặc xe tải được tuyên bố là phụ tùng, nhưng trên thực tế, chúng gần như là ô tô nguyên chiếc, chỉ một số cửa được tháo ra.
Các hàng hóa khác không được khai báo đúng, vận chuyển sai mã hải quan hoặc gửi đến người nhận mà chưa được kiểm tra thực tế. Một vấn đề đau đầu khác là các mặt hàng lưỡng dụng. Trong khi công dụng dân dụng được quảng cáo thì công dụng quân sự bị giấu nhẹm đi.
Ảnh: Bộ Ngoại giao Latvia (Ārlietu ministrija)
Các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế Kyiv (KSE) đã phát hiện ra rằng phần lớn công nghệ chiến trường mà Nga đang sử dụng đều có nguồn gốc từ phương Tây.
Một số lô hàng đến Nga được cho là đi theo đường vòng, qua Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hoặc Trung Quốc. Một số lô hàng khác được đưa đến Nga nhưng điểm đến được tuyên bố là Kazakhstan. Và một số lô hàng chỉ đơn giản là bị che giấu hoặc dán nhãn sai khi rời khỏi EU.
Do vị trí địa lý nằm gần Nga hơn, các nước vùng Baltic gồm Latvia, Litva và Estonia phải chịu gánh nặng kiểm tra hàng hóa vận chuyển xuyên biên giới. Bà Braže lưu ý rằng Estonia hiện chỉ mở một cửa khẩu biên giới, trong khi Phần Lan đã đóng cửa tất cả các tuyến đường nối với Nga, chỉ để lại một tuyến đường sắt hoạt động.
Ngoại trưởng Latvia cũng cho biết trong chuyến đi thực tế bà đã nhìn thấy một hàng xe tải dài 18 km chờ ở biên giới. “Trong một xe tải chở 120 loại hàng hóa khác nhau nên phải kiểm tra 120 tờ khai. Để kiểm tra hết hàng dài xe tải này nhân viên hải quan phải mất 2 tuần”, bà nói với Politico.
Kêu gọi các nước EU khác giúp các nước ở tuyến đầu như đất nước bà giảm bớt gánh nặng duy trì các lệnh trừng phạt, bà Braže cho biết đó là “nghĩa vụ của tất cả các quốc gia thành viên EU – trách nhiệm quốc gia là thực hiện các lệnh trừng phạt và nghĩa vụ đảm bảo rằng các nhà xuất khẩu của mình tuân thủ, và rằng chính quyền sở tại thực sự thực hiện các biện pháp trừng phạt đó một cách đúng đắn”.
“Nếu không thì áp lực đặt lên lực lượng biên phòng hoặc hải quan của chúng tôi là rất lớn khi phải giải quyết tất cả những hậu quả này”, Ngoại trưởng Latvia kết luận.
Minh Đức (Theo Politico EU, Ārlietu ministrija)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/latvia-chi-ra-con-dau-dau-cua-eu-trong-cac-don-trung-phat-nga-204240725120825201.htm