Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đang phải lấy nước qua trạm bơm khẩn cấp đặt giữa lòng sông để cung cấp cho hơn một triệu dân Hà Nội.
Viwasupco đang cấp khoảng 300.000 m3 nước một ngày đêm, phục vụ người dân 10 quận, huyện phía tây nam Thủ đô gồm: Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm.
Những ngày qua, doanh nghiệp phải huy động máy xúc nạo vét, khơi thông dòng chảy vào khu vực đặt trạm bơm khẩn cấp. Lòng sông Đà, đoạn qua xã Hợp Thành (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), nơi có kênh dẫn nước từ sông về nhà máy, bị khô hạn. Mực nước sông đang thấp hơn khoảng 3 m, lòng sông chỉ còn khoảng 1/3 so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Đại diện Viwasupco cho biết từ năm 2020, khi mực nước xuống thấp, đơn vị đã phải xây trạm dã chiến bơm nước từ sông vào kênh để phục vụ sản xuất. Đầu năm nay, trước dự báo của cơ quan khí tượng về khả năng khô hạn, doanh nghiệp tiếp tục xây thêm trạm bơm khẩn cấp nối ống dẫn nước đến giữa lòng sông.
Hiện Viwasupco lấy nước qua trạm bơm khẩn cấp, đưa vào kênh dẫn và chuyển qua hồ Đầm Bài dự trữ, sơ lắng trước khi đưa về nhà máy xử lý. Khi thủy điện Hòa Bình vận hành xả nước xuống hạ du với lưu lượng tối thiểu 214 m3/s, nhà máy vẫn có thể chủ động lấy nước sông Đà bơm tích trữ lên hồ Đầm Bài.
“Tuy nhiên, khi nước sông cạn kiệt và thủy điện Hòa Bình không đủ nước để xả mức tối thiểu, các trạm bơm sẽ phải dừng hoạt động. Nhà máy dừng vận hành sẽ dẫn đến nguy cơ mất nước trên diện rộng”, đại diện Viwasupco giải thích.
Mực nước sông Đà cao hay thấp phụ thuộc vào Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nhưng mực nước tại hồ thủy điện hôm 13/6 chỉ 102,8 m, cách mực nước chết 22,8 m. Ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, cho biết lượng nước về hồ những ngày qua vẫn thấp – 40 m3/s, tức gần như không có.
“Với lượng nước còn lại trong hồ, nếu khai thác tối đa liên tục 46-47 triệu kWh một ngày, mực nước trong hồ sẽ về ngưỡng không thể vận hành an toàn sau 12-13 ngày nữa. Lúc đó vừa không thể phát điện, vừa không giữ được chức năng ổn định cho vận hành hệ thống”, ông Vương lo ngại.
Ngoài Nhà máy nước sông Đà, Hà Nội còn có Nhà máy nước Bắc Thăng Long – Vân Trì công suất đạt 150.000 m3/ngày đêm. Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã hoàn thành giai đoạn một với công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Nước mặt sông Đuống, cho biết nhà máy đang khai thác ổn định nguồn nước thô từ sông Đuống (chi lưu của sông Hồng tại ngã ba Dâu, Xuân Canh, huyện Đông Anh).
Đại diện Nhà máy nước Bắc Thăng Long – Vân Trì, khai thác nước sông Hồng, cũng xác nhận đang hoạt động bình thường.
Võ Hải