Quân khu 7 và UBND tỉnh Tây Ninh bàn giao nhà, tặng quà các hộ dân điểm dân cư Thành Nam, xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Ảnh: Internet.

Thực tế cho thấy, ở mỗi điểm dân cư, không chỉ cấp đất, xây nhà mà còn cần xây dựng hạ tầng đồng bộ kèm chính sách giúp dân ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó lâu dài trên biên giới. Hơn nữa, các thủ tục pháp lý thu hồi, chuyển mục đích, điều chỉnh quy hoạch đất rừng, đất nông nghiệp, pháp lý xây dựng nhà, công trình dân sinh… đòi hỏi sự phối hợp giải quyết của nhiều cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, thậm chí cả bộ, ngành Trung ương. 

Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 cho biết, ngay từ lúc chuẩn bị đề án, Quân khu 7 đã tổ chức hàng trăm đoàn khảo sát, kiểm tra, đánh giá toàn tuyến biên giới, hội nghị phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp nhằm thống nhất nội dung, kế hoạch, mục tiêu, nguồn lực. Quá trình xây dựng đến bàn giao, Quân khu luôn hướng đến bảo đảm tốt nhất giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, gắn bó mật thiết với lực lượng bảo vệ biên giới cùng xây dựng biên giới ổn định, bình yên.

Thực tiễn và bài học kinh nghiệm từ các dự án điểm dân cư trước đây được Quân khu 7 rút kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo. Đặc biệt là kinh nghiệm từ chương trình cụm, tuyến dân cư tránh lũ ở miền Tây Nam Bộ vào thập niên 2000 gặp nhiều khó khăn, không ít người dân sau khi nhận nhà do thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm… nên đã rời đi. Quân khu 7 cùng các tỉnh đã chú trọng đầu tư hạ tầng đồng bộ, căn cứ thực tế ở mỗi điểm dân cư để có các chính sách hỗ trợ bền vững như cấp đất sản xuất, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng; dạy nghề thủ công, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn… Các đơn vị LLVT cử cán bộ giúp đỡ các gia đình trong giai đoạn đầu sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Lập làng, xây thế vững lòng dân khu vực biên giới Tây Nam. Ảnh: Internet.

 
Đồng chí Cao Thị Hồng Mận, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bù Đốp (Bình Phước) chia sẻ: Kinh nghiệm giúp huyện Bù Đốp sớm hoàn thành 6 điểm dân cư là, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp thuộc huyện giải quyết các thủ tục, pháp lý, ưu tiên điều phối nguồn vốn đầu tư của địa phương và Trung ương, thiết lập cơ sở đảng, tổ chức đoàn thể xã hội, huyện còn phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS tỉnh, Binh đoàn 16, các công ty cao su bố trí nguồn đất sản xuất, việc làm cho các hộ dân, vận động tài trợ các công trình văn hóa…Trong triển khai Đề án 811, các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Bộ CHQS tỉnh có vai trò tham mưu, chủ trì phối hợp với các ban, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chỉ tiêu xây dựng điểm dân cư.

Theo đồng chí Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 811 tỉnh Tây Ninh, tỉnh đưa các điểm dân cư vào quy hoạch bố trí dân cư trên địa bàn, nghị quyết lãnh đạo ở các cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện đề án. Hiện nay đã hoàn thành 21 điểm dân cư, bố trí 115 hộ dân. Từ nay đến cuối năm 2024, Ban chỉ đạo đề án tỉnh giao Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh chủ trì phối hợp xây dựng xong 5 điểm dân cư bố trí 30 hộ dân ở 3 huyện biên giới Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng.

Các đơn vị đã đầu tư kinh phí, huy động xã hội hóa để tạo nguồn lực thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, làm tới đâu thấy hiệu quả đến đó. Mỗi điểm dân cư là một hình mẫu tạo sự lan tỏa, nhân rộng, là sự chung sức, đồng lòng, tuyến sau hỗ trợ tuyến trước, phát huy trách nhiệm xây dựng biên cương ổn định, phát triển.

Những mái nhà ngói mới, thế vững lòng dân và tình quân dân ngày càng được vun đắp, bền chặt đang từng ngày đánh thức tiềm năng kinh tế, xã hội, xây dựng biên giới ổn định, vững chắc, đoàn kết cùng nhân dân nước bạn Campuchia xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.

Kim Oanh