Năm 2024, TP.HCM đã phê duyệt “Đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo quy hoạch, khu công nghiệp chuyên ngành y – dược được đặt tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) với diện tích 338ha.
Đây là khu công nghiệp chuyên ngành y – dược tập trung đầu tiên của cả nước, trước bối cảnh đảm bảo an ninh dược phẩm trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu và cấp thiết, giải quyết bài toán thiếu thuốc đặc trị diễn ra triền miên vừa qua.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với ThS Lê Ngọc Danh – trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM. Ông Danh nói:
– Thị trường thuốc của TP.HCM chiếm xấp xỉ 30% nhu cầu của cả nước. Ngoài số dân lớn, TP cũng là nơi tập trung các bệnh viện có quy mô lớn với nhiều chuyên khoa đầu ngành, là tuyến điều trị cuối của nhiều địa phương khác nên nhu cầu về thuốc phòng, chữa bệnh rất lớn, đặc biệt là các thuốc chuyên khoa đặc trị, các thuốc điều trị tiểu đường, tim mạch, ung bướu…
Thuốc sản xuất trong nước hiện chiếm khoảng 60-70% tổng lượng sử dụng, nhưng chủ yếu là thuốc thông thường; thuốc nhập khẩu phần lớn là các thuốc chuyên khoa, đặc trị, gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng gián đoạn trong cung ứng thuốc chuyên khoa, đặc trị này, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị của người bệnh.
Chính vì vậy, hình thành khu công nghiệp chuyên ngành y – dược là cấp thiết, phải ưu tiên hàng đầu hiện nay.
* Định hướng khi thành lập khu công nghiệp y – dược tập trung chú trọng các lĩnh vực gì, thưa ông?
– TP đã từng khảo sát nhiều nơi để hình thành khu công nghiệp y – dược, sau đó quyết định chọn Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 (huyện Bình Chánh) với diện tích 338ha. Đây là khu đất trống, theo quy hoạch có thể đặt được khoảng 100 nhà máy sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế.
Sở Y tế đã định hướng sản xuất các sản phẩm chủ lực ở khu công nghiệp này bao gồm: thuốc đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, thuốc mới thay thế cho các thuốc đang phải nhập khẩu, vắc xin, sinh phẩm y tế, thuốc dược liệu, vật tư y tế (stent, ống thông dạ dày…), bao bì dùng trong ngành dược và trang thiết bị y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế còn định hướng xây dựng trung tâm đánh giá tương đương sinh học, trung tâm kho vận logistic và các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại khu công nghiệp y – dược.
* Người dân có thể hưởng lợi gì từ khu công nghiệp y – dược này?
– Rất nhiều lợi ích mang lại cho người dân khi có khu công nghiệp này như:
Sản xuất thay thế thuốc nhập khẩu sẽ giúp giải quyết tình trạng lệ thuộc nguồn cung ứng thuốc đặc trị từ nước ngoài, hoặc chủ động trong việc sản xuất các thuốc hiếm, thuốc có ít nhà cung ứng trên thế giới để đáp ứng nhu cầu điều trị một số bệnh đặc thù tại Việt Nam.
Như một số thuốc điều trị sốc do sốt xuất huyết phải nhập khẩu, nhưng không phải nơi nào cũng sản xuất do bệnh chỉ tập trung ở các nước nhiệt đới như Đông Nam Á và Nam Mỹ.
Sản xuất trong nước cũng giảm thời gian vận chuyển, hạn chế tình trạng gián đoạn khi có xung đột giữa các nước ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển như hiện nay. Giá thành các sản phẩm sản xuất trong nước có thể giảm so với thuốc nhập khẩu do lợi thế về giá nhân công, chi phí vận chuyển.
Lâu dài, những nhà máy này không chỉ đáp ứng nhu cầu điều trị trong nước mà còn hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
* Theo đề án từ năm 2030 trở đi khu công nghiệp này sẽ bắt đầu sản xuất được một số sản phẩm thuốc generic, thuốc nhượng quyền. Vậy tiến độ có đúng như mong muốn?
– Hiện nhiều nhà máy dược phẩm đang nằm rải rác khắp các khu công nghiệp và khu dân cư trên địa bàn TP. Ngoài ra, do chênh lệch giá đất và thiếu chính sách khuyến khích, một số công ty dược đã chuyển nhà máy và kho vận sang Bình Dương, Đồng Nai, Long An… mặc dù giữ trụ sở tại TP và xác định thị trường trọng điểm.
Sở Y tế đã làm việc với một số doanh nghiệp để thông tin và tìm hiểu về nhu cầu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp chuyên ngành y – dược. Nhiều doanh nghiệp quan tâm và sẵn sàng đầu tư nhà máy tại khu công nghiệp này với các cơ chế, chính sách phù hợp.
Theo ghi nhận nhu cầu, kiến nghị của doanh nghiệp khi lập dự án xây dựng nhà máy sản xuất, hiện doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn khi đầu tư tại TP và đề xuất giải pháp như cần xây dựng chính sách ưu đãi giá đất phù hợp để thu hút doanh nghiệp, cạnh tranh với các địa phương.
Diện tích để xây dựng nhà máy thường lớn, chi trả tiền thuê đất 1 lần làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu triển khai dự án. Chưa có chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, giúp người dân tiếp cận thuốc chất lượng cao với giá thành thấp hơn.
Do đó, cần xây dựng chính sách đặc thù để hỗ trợ cho hình thành và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y – dược như ưu đãi về chính sách đầu tư, giá đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách ưu đãi trong đấu thầu thuốc đối với các sản phẩm thuộc danh mục ưu tiên phát triển để thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất, cung ứng thuốc có chất lượng cao cho nhu cầu điều trị.
Công nghiệp dược tăng trưởng từ 12-15%
Theo thống kê của Bộ Y tế, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đã tăng từ 3,4 tỉ USD vào năm 2015 lên tới 7,46 tỉ USD vào năm 2022, với mức tăng trưởng hằng năm từ 12-15%.
Việt Nam cũng chưa có các khu công nghiệp dược – sinh học tập trung. Hiện Bộ Y tế đang tích cực xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Dược sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.
Trong đó có nhiều chủ trương, chính sách mới mang tính đột phá, nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển ngành công nghiệp dược trong nước.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lap-khu-cong-nghiep-y-duoc-o-tp-hcm-nguoi-dan-duoc-gi-20250110075905157.htm