(NB&CL) Thực trạng lý luận, phê bình điện ảnh ở nước ta hiện nay đang được xem là mờ nhạt, thậm chí còn có sự thụt lùi và tạo ra những “khoảng trống”. Giờ đây, khi đời sống điện ảnh đang có những bước phát triển rõ rệt thì việc lấp đầy những “khoảng trống” đó cần được thực hiện càng nhanh càng tốt.
Phê bình chỉ là “vuốt ve, khen ngợi” nhau?
Tại tọa đàm vừa được tổ chức cuối tuần qua về thực trạng 50 năm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, vấn đề thiếu vắng của lực lượng phê bình lại được nhiều chuyên gia, văn nghệ sĩ đề cập đến. Nhận định chung được nêu ra đó là, công tác lý luận, phê bình hiện nay lạc hậu về nhiều mặt, xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, chưa đáp ứng được đời sống điện ảnh đang hết sức sôi động.
Theo PGS.TS. Phan Thị Bích Hà – Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, lý luận phê bình là một thành tố không thể thiếu để tạo nên diện mạo đầy đủ của một loại hình nghệ thuật. Trong lĩnh vực điện ảnh, lý luận phê bình cần trung thực, khách quan, vừa “phê” vừa “bình”, không nghiêng lệch quá nhiều về những cảm nhận mang tính chủ quan. Thế nhưng trên thực tế, lý luận phê bình đang không có nhiều những bài viết đánh giá chuyên sâu mà thay vào đó là tình trạng “lăng xê, vuốt ve, khen ngợi”, do được đặt hàng hoặc do giữa người viết và người làm phim có quan hệ thân tình. Trong khi đó, trước những vấn đề gay gắt, nóng bỏng, người làm công tác lý luận phê bình lại có thái độ e dè, né tránh. Tình trạng này dẫn đến những sai lệch trong đánh giá và tạo nên “khoảng trống” trong công tác lý luận phê bình.
“Xu hướng thịnh hành trong phê bình điện ảnh thường là né tránh những vấn đề gai góc, to lớn, mà rút vào công việc giới thiệu phim, viết chân dung nghệ sĩ hay thiên về tổng kết các sự kiện. Và hầu như công tác phê bình thường nghiêng về khen ngợi cho an toàn”, PGS.TS Phan Thị Bích Hà nhận định.
Thực trạng “yếu” và “thiếu” của lý luận phê bình điện ảnh cũng đã được các chuyên gia nhắc đến tại nhiều diễn đàn. Theo đó, trong bối cảnh các nội dung “review phim”, “phê bình phim” nhan nhản trên mạng xã hội với nội dung đầy rẫy thiên kiến và cảm tính, nhưng thu hút rất nhiều công chúng trẻ thì lý luận phê bình “chính thống” lại tỏ ra “kín tiếng”. Đứng trước thực trạng này, một đạo diễn có tên tuổi đã phải thốt lên rằng, ngành phê bình điện ảnh ở Việt Nam “gần như chết” khi thiếu vắng những bài viết nghiêm túc, có chuyên môn sâu.
Phê bình “độc hại” lên ngôi
Trao đổi với NB&CL, ông Nguyễn Hoàng Phương, người điều hành Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD cho rằng, hiện nay không chỉ rất ít những cây viết phê bình điện ảnh mà họ còn rất ít “đất diễn”. Hiện chỉ có một vài tạp chí chuyên ngành có chuyên mục, chuyên trang về phê bình điện ảnh nhưng thường không được phổ biến rộng rãi và ít tạo được sức ảnh hưởng. Đáng nói, hầu hết các bài viết được gọi là “phê bình phim” thực ra chỉ là những “bài báo viết về phim”, bài điểm phim hay giới thiệu phim.
“Các bài viết thường kể chuyện hậu trường, chuyện đời tư diễn viên… Ngay cả những bài phân tích phim cũng chỉ bê nguyên nội dung phim, hoặc chỉ phân tích sơ sơ một vài thứ bên ngoài. Phê bình điện ảnh gần như vắng bóng những bài viết có chất lượng”, ông Phương nói.
Ngoài ra, khi mạng xã hội phát triển, công chúng đang quen dần với việc “review nhanh”, người phê bình phim cũng có thêm công cụ để sử dụng cho công việc của mình. Tuy nhiên, những review này cũng đầy rẫy tính “độc hại” khi nó có thể tiết lộ nội dung phim, thậm chí mang tính triệt hạ, “đánh hội đồng”. Trong bối cảnh ai cũng có tài khoản mạng xã hội và muốn nói gì thì nói về phim, một KOL hoàn toàn có thể tạo ra những luồng khen, chê phim một cách bất chấp để đạt được mục đích cá nhân. Ông Phương cho rằng, trên mạng “đầy rẫy” những trường hợp cá nhân bôi xấu nhau, spam bài viết chê phim thậm tệ, sử dụng tools để comment hàng loạt nhằm “dìm đối thủ”. Những hành vi này có mục đích tác động, định hướng dư luận, khiến công chúng hoang mang, không biết đâu là thật giả…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, môi trường phê bình điện ảnh ở Việt Nam rất thiếu bài bản và chuyên nghiệp, đây là một phần tác nhân gây ra sự lộn xộn, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Cái gọi là “phê bình ăn theo”, “phê bình phong trào” đang trở thành vấn nạn của điện ảnh. Trong mớ hỗn mang đó, dễ hiểu là mối quan hệ giữa người làm phim và người làm công tác lý luận phê bình không mấy hữu hảo. Ông Nguyễn Hoàng Phương nhận định, ở Việt Nam, có đến “90% nhà làm phim ghét nhà phê bình”.
Lý giải nhận định này, ông Phương cho rằng, công việc làm phim là công việc của nhiều người, từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên… Làm một bộ phim mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tâm huyết nữa, nhưng rồi bỗng nhiên bị một cá nhân nào đó không đủ tầm, non về kiến thức lên tiếng chê bai thì chắc chắn trong tâm lý không ai thích thú cả.
“Một người chưa đủ trình độ chê phim, mà lại chê không đúng chắc chắn sẽ khiến nhà làm phim khó chịu. Đạo diễn Trần Anh Hùng từng nói đại ý rằng “anh chê phim tôi nhưng quan trọng anh là ai”. Người phê bình phải giỏi về chuyên môn, giỏi về điện ảnh thì điều anh nói ra mới thuyết phục. Ở Mỹ, nơi một nền công nghiệp điện ảnh cực kỳ phát triển thì những người phê bình điện ảnh đều là những cây bút rất nổi tiếng, họ có chuyên môn cao và có sức ảnh hưởng tới công chúng”, ông Phương cho hay.
“Đánh thức” người làm lý luận, phê bình
Trước những hỗn độn khen chê này, các đạo diễn hay các nhà làm phim thường chọn cách im lặng, không quan tâm đến những ý kiến bàn luận về phim của họ.
Tuy nhiên, với vai trò định hướng, lý luận phê bình đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Khi xuất hiện tranh cãi xung quanh một tác phẩm điện ảnh, công chúng rất cần nghe tiếng nói của chuyên gia, của nhà phê bình để cân bằng lại tình huống thông qua những quan điểm, những phân tích chuyên môn. Ngoài ra, khán giả khi xem phim có thể khen hoặc chê, còn người làm lý luận phê bình phải chỉ ra được phim hay dở như thế nào và tại sao phim đó lại hay hoặc dở. Vì vậy, người làm phim “làm ngơ” trước mọi lời khen chê cũng không phải là điều tốt.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam TS. Ngô Phương Lan, phê bình phim chỉ đơn giản là nói lên quan điểm, điều đó ai cũng làm được, nhưng nếu lý luận mà không đi đôi với thị hiếu của người dân, thì điện ảnh Việt Nam rất khó có thể bay xa. “Khi phê bình điện ảnh ngủ quên và bị bỏ quên sẽ góp phần làm cho xu hướng thương mại hóa các giá trị của điện ảnh – trong đó có tư tưởng, thẩm mỹ và nghệ thuật – ngày càng trầm trọng, kéo theo sự lệch chuẩn, đánh mất định hướng phát triển”, TS. Ngô Phương Lan đánh giá.
Để có một nền điện ảnh phát triển lành mạnh, các chuyên gia cho rằng, cần sự chung tay từ nhiều phía. Đặc biệt, sự “yếu ớt” của lý luận phê bình, sẽ không thể khắc phục trong một sớm một chiều mà cần những giải pháp dài hạn. Theo đó, ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn; khuyến khích và tạo điều kiện hoạt động cho đội ngũ người làm lý luận phê bình thì cần xây dựng môi trường đối thoại và tôn trọng lắng nghe, thúc đẩy sự đa dạng ý kiến và chia sẻ quan điểm, nhằm tạo ra những diễn đàn tranh luận dân chủ.
“Hãy cho những người làm lý luận, phê bình điện ảnh một môi trường, một không gian thiết yếu để họ có thể hành nghề lý luận, phê bình một cách chính đáng, chuyên nghiệp và nuôi dưỡng những say mê nghiên cứu của mình… Phải tạo được sự hào hứng và yên tâm cho người viết phê bình, để họ không quá lo lắng mưu sinh, không bị áp lực của sự cô đơn, lẻ loi trước những cơn bão dư luận khi họ lên tiếng bảo vệ chuẩn giá trị. Chỉ khi người viết lý luận, phê bình không bị bỏ quên thì mới có thể đánh thức lý luận, phê bình điện ảnh khỏi sự ngủ quên”. TS. Ngô Phương Lan đề xuất.
Thế Vũ
Nguồn: https://www.congluan.vn/lap-khoang-trong-ly-luan-phe-binh-dien-anh-post323234.html