Anh Phạm Ngọc Sơn (tổ 1, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) cũng như một số người dân ở đường Lê Thanh, đoạn giao với đường Trần Phú, đầu cầu Kim Tân vẫn còn sợ bởi chứng kiến vụ tai nạn vào tối qua 12/1 khi một học sinh điều khiển xe qua gồ giảm tốc. Anh Sơn chia sẻ: “Bé gái học sinh đi với tốc độ tầm 30km/h, cũng bởi vì gồ giảm tốc cao quá, gây mất lái, tai nạn ngã”.
Gồ giảm tốc đoạn đường Lê Thanh, đoạn giao với đường Trần Phú, đầu cầu Kim Tân.
Cũng theo nhiều người dân ở khu vực này, đây là nút giao có mật độ phương tiện lưu thông cao, nhưng ít khi xảy ra các vụ va chạm. Tuy nhiên, từ khi gồ giảm tốc được lắp đặt, thì các vụ tai nạn lại vẫn xảy ra.
Bà Hoàng Thị Oanh, tổ 1, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Xe cát sỏi đi qua rớt xuống, làm các cháu đi qua ngã, đau lòng lắm”.
Gồ giảm tốc.
Từ đầu tháng 7 đến nay, ngành chức năng đã lắp đặt 8 gồ giảm tốc bằng bê tông và gần 260 gồ giảm tốc cao su tại một số ngã tư thường có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao… Theo người dân, các gồ giảm tốc được xây khá cao, gây bất tiện và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông Phạm Văn Hưng, tổ 1, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai nói: “Về đêm hôm xe đi qua gây tiếng ồn rất lớn, người dân cũng có ý kiến đưa lên để có cách khác chứ không làm gồ như thế này”.
Bà Ninh Thị Tươi, tổ 18, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai bày tỏ: “Tôi già rồi mắt kém, sửa lại được thì nhỏ lại và thấp đi, không thì làm nhỏ lại”.
Theo Tiêu chuẩn cơ sở 34:2020 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, kích thước của gồ giảm tốc phải được theo dõi, đánh giá để kịp thời điều chỉnh đảm bảo an toàn.
Việc xây dựng, lắp đặt các gồ giảm tốc tại một số nút giao để các chủ phương tiện chủ động giảm tốc độ là cần thiết. Tuy nhiên theo người dân, việc xây dựng, lắp đặt phải được tính toán kỹ về chiều cao, bề rộng, cách thức đặt các gồ giảm tốc đảm bảo dễ quan sát và không gây bất ngờ cho người điều khiển./.
Thế Long – Thành Thuận