Tham dự hội nghị có lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La và Lào Cai; đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai khẳng định: Thực trạng sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản hiện nay theo kiểu mạnh ai nấy làm, tổ chức sản xuất theo truyền thống và kinh nghiệm, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản lượng thấp, chất lượng không ổn định, nhiều chỉ tiêu không đáp ứng được yêu cầu dẫn đến sản phẩm tiêu thụ bấp bênh. Hiện nay, thương lái vẫn là cầu nối chính giữa nông dân, hợp tác (HTX) với thị trường đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của nông dân và người sản xuất.
Trong kinh tế thị trường, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ngành nông nghiệp cần có sự liên kết, phối hợp đồng bộ và nhịp nhàng giữa sản xuất – lưu thông hàng hóa. Thành viên HTX với vai trò là chủ thể trong sản xuất cần chủ động thay đổi cách nhìn, cách làm và cách nghĩ. Hợp tác xã phải tích cực đổi mới và chủ động tổ chức lại hệ thống sản xuất, mở rộng thị trường và đặc biệt phải tạo ra được những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. HTX cần được cung cấp thông tin về dự báo tình hình thị trường, được trang bị kiến thức về thị trường và những tiến bộ kỹ thuật mới để từ đó áp dụng vào sản xuất và bảo quản, chế biến.
Do vậy, Hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho HTX các tỉnh, thành phố năm 2023 là cơ hội để các HTX, doanh nghiệp, nhà phân phối gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tạo sự liên kết giữa nhà sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ; ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm hàng hóa; mở rộng thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các HTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung đến người tiêu dùng trong cả nước.
Tại hội nghị, đại diện Liên minh HTX các tỉnh, thành phố đã tham luận về tình hình phát triển HTX, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và sản phẩm đặc thù của các HTX; kinh nghiệm và giải pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
Tham luận về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp cụ thể như xây dựng và mở điểm bán hàng, giới thiệu 500 sản phẩm của các HTX trong và ngoài tỉnh; tổ chức các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số, đào tạo bán hàng trực tuyến, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cho cán bộ quản lý HTX.
Tham luận của Liên minh HTX thành phố Hà Nội cho thấy, với 1.350 làng nghề, 2.470 HTX, 22 liên hiệp HTX, Hà Nội có nhiều sản phẩm đặc sắc, đặc hữu nổi tiếng trong và ngoài nước. Để xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, Liên minh HTX thành phố Hà Nội tập trung tổ chức các hội chợ, hội thảo, tuần lễ quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp, nông thôn và làng nghề truyền thống do các HTX sản xuất. Đặc biệt, Liên minh HTX thành phố Hà Nội còn tiến hành khảo sát, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác tư vấn hỗ trợ và thúc đẩy quan hệ hợp tác liên quan đến kinh tế tập thể tại nước ngoài; đưa sản phẩm vào quảng bá, tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng OCOP-POS và trang thương mại điện tử của Công ty Cổ phần EPOS toàn cầu.
Đại diện các HTX như HTX Trung Kiên (Mường Khương), HTX Tri thức bản địa Goong (Bát Xát), HTX Nem phượng Phương Bắc (Hà Nội)… đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng kênh quảng bá, bán hàng nông sản trực tuyến trên mạng xã hội. (Ảnh dưới)
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đề nghị Liên minh HTX các tỉnh, thành phố tăng cường mối quan hệ, tận dụng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để hỗ trợ nông dân, các thành viên nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý sản xuất, hình thành các tổ, nhóm liên kết sản xuất dưới sự chỉ đạo và thực hiện kế hoạch thống nhất của HTX.
Tăng cường liên doanh, liên kết nhằm thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của đơn vị tiêu thụ sản phẩm và định hướng xuất khẩu.
Xây dựng, hoàn thiện mô hình liên kết chuỗi theo chiều dọc từ cung cấp vật tư đầu vào, quy trình liên kết theo chiều ngang giữa các hộ, tổ nhóm sản xuất, để hỗ trợ, phối hợp các khâu trong quá trình sản xuất.
Đẩy mạnh liên kết giữa hộ thành viên, HTX và doanh nghiệp, siêu thị để từng bước chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sang sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng.