Hai tháng đầu năm 2024, những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may, da giày, sắt thép, điện tử, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê…cũng đều tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn đặt hàng ngay từ đầu năm và tăng cường sản xuất.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép có chiều hướng phục hồi trong giai đoạn đầu năm 2024 với mức tăng trưởng hai con số. Nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1 – 15/2), kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt xấp xỉ 500 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/2, xuất khẩu giày dép thu về gần 2,5 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 300 triệu USD).
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, riêng tháng 2/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3%, giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần. Đáng chú ý, chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản đón nhận.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 114 tỷ USD, tăng xấp xỉ 19% so với cùng kỳ 2023.
Nhờ tín hiệu thị trường tại các nước nhập khẩu chính khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm tăng trên 19%, đạt gần 59,4 tỷ USD. 11 mặt hàng ghi nhận kim ngạch trên 1 tỷ USD, riêng 4 nhóm chủ lực (điện tử, máy tính, điện thoại – linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may) thu trên 5 tỷ USD từ các thị trường.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập về hơn 54,6 tỷ USD hàng hóa, máy móc, nhiên liệu sản xuất, tăng 18% so với cùng kỳ 2023. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng nhập hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất nhiều hơn trong nước, gần 35 tỷ USD.
Về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, gần 21 tỷ USD. Trong khi Mỹ là nơi hàng Việt xuất đi nhiều nhất, đạt 17,4 tỷ USD trong hai tháng.
Như vậy, Việt Nam xuất siêu trên 4,7 tỷ USD – mức cao nhất cùng kỳ 10 năm. Xuất siêu sang Mỹ, EU tăng lần lượt gần 37% và 14% so với cùng thời điểm năm ngoái. Riêng thị trường Nhật, từ nhập siêu 0,2 tỷ USD chuyển sang xuất siêu 0,4 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù kinh tế thế giới khó đoán định, nhu cầu hàng hoá tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, nhưng kết quả xuất khẩu đạt được trong 2 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng cao. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác các thị trường truyền thống và cả những thị trường mới và tiềm năng.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong khi xuất khẩu sang các thị trường truyền thống chững lại thì các thị trường mới như châu Phi, Tây Á, Đông Âu, Bắc Mỹ tăng trưởng về giá trị xuất khẩu… Nhờ vậy, mức độ suy giảm thương mại ngày càng thu hẹp từ nửa cuối năm 2023 và tăng trở lại đầu năm 2024.
Chuỗi cung ứng mà trước đây chúng ta mong muốn hình thành ở Việt Nam để sản xuất những mặt hàng Việt Nam đã bắt đầu được hình thành. Chính vì vậy, những doanh nghiệp đó đủ tiêu chuẩn để đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng xuất khẩu.