Từ đầu năm 2023, sản phẩm tinh dầu quế khó tiêu thụ, giá bán thấp, mặt hàng này không xuất khẩu được bởi những quy định chưa phù hợp. Mới đây, Bộ Y tế và Tổng Cục Hải quan đã có hướng dẫn cụ thể nên việc xuất khẩu tinh dầu quế đã khởi sắc trở lại.
Theo tính toán, để sản xuất được 1 kg tinh dầu quế phải chi phí khoảng 400 – 480 nghìn đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, giá bán tinh dầu quế giảm mạnh, từ 600.000 đồng/kg xuống còn 360.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giảm xuống 280.000 đồng/kg khiến doanh nghiệp thua lỗ, tạm dừng sản xuất, nguyên liệu ứ đọng. Hoạt động xuất khẩu tinh dầu quế gặp khó khăn, hàng trăm tấn tinh dầu quế không thể xuất khẩu, doanh nghiệp dừng thu mua để hàng nghìn tấn nguyên liệu bị mục nát, hư hỏng.
Từ cuối tháng 4/2024 đến nay, việc xuất khẩu sản phẩm tinh dầu đã thuận lợi hơn, thị trường tiêu thụ mở rộng, giá bán nhích dần lên, đây là tín hiệu đáng mừng với doanh nghiệp. Sau một thời gian sản xuất cầm chừng, đến thời điểm này, Nhà máy sản xuất tinh dầu quế của Công ty TNHH Một thành viên Triều Dương (thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên) hoạt động ổn định trở lại. Hiện trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp sử dụng từ 30 – 50 tấn nguyên liệu, sản xuất ra khoảng 0,7 tấn tinh dầu (đạt khoảng 80% công suất của nhà máy).
Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Triều Dương chia sẻ: Chúng tôi mong muốn thị trường trong và ngoài nước ổn định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất cũng như tiêu thụ nguyên liệu cho người dân.
Tinh dầu quế tiêu thụ thuận lợi cũng là tín hiệu vui, giúp hàng nghìn hộ trồng quế trên địa bàn tỉnh bớt nỗi lo tiêu thụ nguyên liệu. Ông Đặng Văn Minh ở xã Bản Cái (Bắc Hà) cho biết: Từ cuối năm ngoái, giá cành lá quế xuống thấp, có thời điểm bán 600 đồng/kg, giá bán thấp, không đủ chi phí nhân công khai thác nên nhiều hộ dân không tỉa cành, lá bán. Thời gian gần đây, giá bán ổn định trở lại (từ 1,6 – 1,9 nghìn đồng/kg) giúp người trồng quế có thêm thu nhập.
Huyện Bảo Thắng hiện có 4 nhà máy chế biến tinh dầu quế, sản lượng đạt 140 tấn tinh dầu/năm. Cùng chung khó khăn với các cơ sở chế biến tinh dầu quế của tỉnh, năm 2023, nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng, một số cơ sở ngừng hoạt động, hiện nay đã hoạt động trở lại.
Ông Hoàng Minh Thái, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thái (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) chia sẻ: Thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ tinh dầu quế đã thuận lợi hơn, giá bán tăng khoảng 10 – 20% so với cuối năm ngoái, tuy nhiên số lượng hàng xuất bán vẫn thấp do khó khăn chung của thị trường thế giới. Với công suất thiết kế 70 tấn tinh dầu/năm, hiện nay đơn vị chỉ sản xuất được 50% công suất.
“Chạm đáy” vào cuối năm 2023 với giá bán chỉ từ 280 – 330 triệu đồng/tấn, gần 1 tháng trở lại đây, giá tinh dầu quế bắt đầu tăng, hiện giá bán ở mức 360 – 400 triệu đồng/tấn. Theo dự báo, mức giá này sẽ tiếp tục được cải thiện khi vướng mắc về quy định mã hàng xuất khẩu được các ngành chức năng tích cực phối hợp tháo gỡ.
Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Các sản phẩm quế hiện nay cơ bản xuất ở dạng thô, sử dụng làm thực phẩm, hương liệu. Do đó, việc áp theo một mã duy nhất là mã về dược liệu đã vô tình làm khó cho doanh nghiệp, dẫn tới người dân trồng quế không bán được sản phẩm. Mới đây, Tổng Cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong việc khai báo mục đích xuất khẩu đã giúp cho hoạt động xuất khẩu tinh dầu quế khởi sắc trở lại. Với động thái này, người dân phấn khởi thu hoạch quế, các doanh nghiệp tích cực thu mua, chế biến tinh dầu và các sản phẩm từ quế.
Toàn tỉnh hiện có hơn 58.000 ha quế, hằng năm đưa ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế, gần 120.000 tấn cành, lá. Hiện toàn tỉnh có 9 công ty và 1 hợp tác xã sản xuất tinh dầu quế. Công suất thiết kế của các cơ sở chế biến dao động từ 60 – 120 tấn tinh dầu quế/năm/cơ sở. Công nghệ chiết xuất tinh dầu cơ bản đã áp dụng công nghệ bằng lò hơi. Sản lượng tinh dầu quế của tỉnh đạt hơn 450 tấn/năm. Việc thu mua nguyên liệu chiết xuất tinh dầu (cành, lá quế) thông qua các cơ sở thu mua nhỏ lẻ tại các địa phương. 85% sản lượng tinh dầu quế của tỉnh được các cơ sở xuất bán ra thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản; 15% sản lượng phục vụ nhu cầu thị trường trong nước.
Tinh dầu quế chủ yếu được ép từ lá, thân cành nhỏ khi người dân cắt tỉa hàng năm để cho cây lớn. Tuy là sản phẩm phụ thu từ cây quế nhưng đã đem lại nguồn thu đáng kể giúp người dân tái đầu tư sản xuất.
Dự kiến sản lượng tinh dầu quế của tỉnh sẽ còn tăng mạnh khi nhiều vùng nguyên liệu tại các địa phương đang đến kỳ khai thác. Cùng với mở rộng vùng trồng quế hữu cơ thì việc chế biến sâu sản phẩm từ quế, trong đó có tinh dầu quế nhằm nâng cao giá trị, tính bền vững của ngành hàng chủ lực này cũng đang được tỉnh ưu tiên triển khai.
Giá tinh dầu quế giảm, khó xuất khẩu, ngoài nguyên nhân do thị trường khó khăn, giá giảm thì còn đến từ việc thực hiện một số quy định khai báo mã hàng trong việc xuất khẩu. UBND tỉnh Lào Cai đã có công văn đề nghị Bộ Y tế giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu tinh dầu quế cho các doanh nghiệp.
Ngày 15/4, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp rà soát khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu dược liệu theo Công điện số 35/CÐ-TTg ngày 10/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tại cuộc họp, Tổng Cục Hải quan cho biết đã có công văn gửi Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, nêu rõ: Trường hợp doanh nghiệp khai báo mặt hàng tinh dầu quế xuất khẩu để làm dược liệu thì thực hiện theo quy định Luật Dược; trường hợp doanh nghiệp khai báo tinh dầu quế xuất khẩu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm hoặc mục đích khác thì đối chiếu quy định của pháp luật an toàn thực phẩm, các lĩnh vực liên quan để xác định chính sách quản lý tương ứng và giải quyết thủ tục theo quy định.