Do ảnh hưởng tình hình thế giới, thời gian qua các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang những thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu vẫn chưa phục hồi.
Qua rồi cái thời muốn có đơn hàng phải làm giá rẻ
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ tập trung đầu tư những sản phẩm nội thất độc đáo, đáp ứng nhu cầu của một số thị trường đã phục hồi 90% so với trước dịch.
Ông Võ Xuân Thuyên, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp xây dựng xanh TDH (Trần Đức Homes – Trần Đức Corp), cho biết từ đầu năm đến nay công ty đã xuất khẩu gần 30 căn nhà gỗ thương hiệu Modulux sang Mỹ và đang chuẩn bị thêm 480 căn trong quý I.
“Đặc biệt, với sản phẩm này chúng tôi tự hào khi lần đầu tiên DN Việt Nam có thể xuất khẩu trọn vẹn một căn nhà sang thị trường Mỹ.
Lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu trọn vẹn một căn nhà sang thị trường Mỹ.
Năm 2023, hỏa hoạn xảy ra ở Hawaii gây thiệt hại lớn, nhu cầu về nhà ở tăng cao và tập đoàn đã có cơ hội đồng hành cùng các tổ chức bang Hawaii để sản xuất những căn nhà này” – ông Thuyên kể.
DN Nhật thích tay nghề người lao động Việt. Về chi tiết, gia công Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới.
“Chúng tôi hạnh phúc khi sản phẩm nội thất của người Việt thiết kế, kết hợp với chất lượng Nhật đã được bán ở thị trường . Hiện nay, sản phẩm đang được trưng bày tại showroom của một công ty Nhật ngay tại Tokyo và lá cờ Việt Nam được treo ở đây. Đây là sản phẩm mà Asahi hãnh diện nhất.
Các DN Nhật đã đến nhà máy tham quan và tận mắt thấy khả năng gia công của người Việt. Năm 2024 riêng dòng sản phẩm này, công ty đã nhận được vài trăm đơn hàng” – ông Đặng Ráng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Asahi, nói.
Theo ông Thuyên, Modulux không phải kiểu nhà lắp ghép cho các homestay hiện có ở thị trường với giá rẻ.
Theo đó, tùy nhu cầu, với diện tích hơn 40 m2 được thiết kế như khu nghỉ dưỡng tại gia có đầy đủ công năng gồm phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ.
“Công ty dựa vào yêu cầu thị hiếu, nhu cầu nhà ở của khách hàng để sản xuất nhà Modulux. Ưu thế của ngôi nhà này là tính linh hoạt khi khách hàng cần di chuyển chỗ ở. Thời hạn sử dụng nhà ở Modulux trên 20 năm. Tại Việt Nam, khi bàn giao trọn gói giá khoảng 1.100 USD/m2” – ông Thuyên cho biết.
Lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu nhà gỗ made in Việt Nam sang Mỹ.
Gia công vài trăm USD/ghế, tại sao không?
“Thay vì gia công vài USD/ghế tại sao chúng ta không gia công vài trăm USD/ghế. Điều cốt lõi này nằm ở giá trị thiết kế, mà người Việt Nam rất có tay nghề.
Tuy là DN FDI nhưng chúng tôi mong muốn mang những sản phẩm tinh tế nhất của người Việt đến thế giới, chứng minh chúng ta không còn ở thời kỳ gia công nữa. Đây là mục tiêu chính của Asahi” – ông Đặng Ráng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Asahi (100% vốn đầu tư của Nhật với hơn 20 năm có mặt ở Việt Nam), cho biết.
Nói về sức hút của sản phẩm gỗ Việt, ông Võ Xuân Thuyên chia sẻ tính đến tháng 8 tập đoàn nhận được các đơn hàng với khoảng 800 căn nhà trong quý II.
Ngoài hai nhà máy đang hoạt động, cuối năm nay một nhà máy mới có diện tích 12 ha ở khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương sẽ chính thức hoạt động.
Bộ sưu tập nội thất do người Việt Nam thiết kế được trưng bày tại Nhật.
Chỉ riêng máy móc, thiết bị, chúng tôi đã đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, công suất tối thiểu phải đạt sáu căn nhà/ngày mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
“Để có được “trái ngọt” như hôm nay với các sản phẩm của công ty đã có mặt ở khoảng 10 bang của Mỹ như Oregon, Texas, Nevada, Utah, California… tập đoàn đã đề ra chiến lược từ hơn 10 năm trước trong đầu tư, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, cập nhật xu thế mới, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng, xem khách hàng là bạn đồng hành để cùng nhau tồn tại, phát triển và quan trọng là con người” – ông Thuyên lý giải.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng của ngành gỗ Việt Nam hiện phụ thuộc chính vào thị trường Mỹ. Thống kê các nghiên cứu bán lẻ tại Mỹ cho thấy hiện nay lãi suất có chiều hướng giảm, thị trường có dấu hiệu ấm lên.
Khó khăn nhưng vinh quang
Tuy nhiên, để một căn nhà được cấp phép tại Mỹ phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn xây dựng của các tiểu bang khác nhau. Ví dụ bang California, yếu tố chống cháy tuyệt đối được đặt lên hàng đầu hay miền Đông của Mỹ thì mái nhà phải chắc chắn và kiên cố để đảm bảo an toàn khi có tuyết rơi.
Nhà máy của Tập đoàn Trần Đức là nhà máy đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á sở hữu xử lý gỗ biến tính của Ý và H-grade từ New Zealand. Những công nghệ trên giúp gỗ chống chịu mối mọt, chống mục rữa, không cong vênh, không nứt, bề mặt gỗ màu đồng đều và chịu được môi trường nước ngọt, nước biển.
“Đây là lợi thế cạnh tranh của các tập đoàn so với các nước trên thế giới tại Mỹ” – ông Thuyên chia sẻ.
Tương tự, ông Ráng cho biết với mục tiêu phát triển sản phẩm nội thất chất lượng cao để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Asahi đã mời nhà thiết kế Nhật Bản nổi tiếng ở châu Âu, kết hợp tập đoàn gỗ của Nhật Bản đang có nhà máy tại Việt Nam, phối hợp với tay nghề của người Việt sản xuất ra sản phẩm nội thất ghế sofa mang thương hiệu “Orental-Phương Đông” thâm nhập vào thị trường châu Âu và Mỹ.
Do tập trung vào phân khúc sản phẩm cao cấp nên thời gian qua doanh thu và lợi nhuận của công ty gần như không bị ảnh hưởng. Các sản phẩm nội thất xuất khẩu sang thị trường Nhật, châu Âu mỗi nơi có thiết kế riêng. Hiện công ty phục hồi 90% so với năm ngoái, đã nhận đơn hàng cho tháng 5 và 6.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, tình trạng chung hiện nay là DN muốn có đơn hàng thì phải làm giá rẻ, đồng nghĩa với bị lỗ. Hoặc DN phải có sản phẩm độc đáo. Đây là con đường khó khăn nhưng vinh quang.
Về ngành gỗ năm 2024, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty Viforest Fair, cho biết tháng 1 xuất khẩu toàn ngành đạt 1,5 tỉ USD, nhiều DN hiện đã phục hồi 80%-90% công suất, các DN có đơn hàng đến tháng 5.
Đây là tín hiệu tốt cho ngành gỗ Việt Nam, tiếp tục là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một lợi thế quan trọng hỗ trợ ngành gỗ Việt Nam phát triển đi lên từ tốp đầu thế giới.
Lo ngại chuỗi cung ứng gỗ rơi vào tay doanh nghiệp FDI
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty Viforest Fair, ngành gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro khi thị trường hoàn toàn mở. Nhiều DN FDI vào mở rộng thị trường tại Việt Nam, tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối nguyên liệu kể cả tiếp thị.
Trong khi đó, DN Việt chiếm hơn 50% trong ngành nhưng khả năng về vốn, năng lực sản xuất, đặc biệt khả năng marketing, giao thương, tiếp thị vẫn chưa bằng DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngành gỗ Việt hiện đang tạo ra việc làm cho gần 500.000 lao động từ nông thôn đến trong các lĩnh vực trồng rừng, chế biến, logistics… Do đó, rất cần sự quan tâm đúng mức từ các cấp Chính phủ.
“Đây cũng là mục tiêu gìn giữ chuỗi cung ứng gỗ, trong đó DN Việt giữ vai trò quan trọng, tránh khả năng chuỗi cung ứng của ngành gỗ rơi vào tay DN FDI” – ông Khanh nói.