Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam vừa có Công văn số 01/CV-HĐXL gửi Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố; Liên chi hội, Chi hội trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Theo đó, qua theo dõi, nắm bắt, phản ánh từ nhiều kênh thông tin, Hội Nhà báo Việt Nam nhận thấy: Thời gian gần đây, hiện tượng phóng viên, cộng tác viên một số cơ quan báo chí (trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp) lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp.
Một số phóng viên, cộng tác viên liên kết thành từng nhóm có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, đưa thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính, nhất là trong thời điểm gần Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn. Những hành vi thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật nêu trên đã làm tổn hại nghiêm trọng uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.
Để chấn chỉnh hiện tượng này, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đề nghị Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên chi hội và Chi hội trực thuộc triển khai ngay việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cho đội ngũ người làm báo.
Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên chi hội và Chi hội trực thuộc rà soát, quản lý chặt chẽ, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đội ngũ phóng viên, nhất là phóng viên thường trú, cộng tác viên tại các địa phương thực hiện nghiêm quy định của Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Đồng thời, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thẻ nhà báo, thẻ hội viên, giấy giới thiệu cấp cho cán bộ, phóng viên…
Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đề nghị các đơn vị khẩn trương tiến hành rà soát, thành lập, kiện toàn Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp theo quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 534/QĐ-HNBVN ngày 30-3-2017 của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Theo Báo Quân đội nhân dân