Cách đây hơn 1 tháng, gia đình chị Đặng Thị Hoa ở thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng) đón thêm một thành viên mới. Sau khi sinh con gái đầu lòng, chị Hoa luôn bận rộn với việc chăm sóc con nhỏ, gần như không có thời gian rảnh. Được biết, người dân có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh trực tuyến, chị truy cập internet, tìm trang thông tin điện tử của địa phương và được kết nối đến cổng dịch vụ công.
Chị Hoa cho biết: Tôi truy cập trang thông tin của thị trấn và làm các bước theo hướng dẫn thấy rất dễ để hoàn tất hồ sơ mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở. Nhiều thủ tục hành chính người dân có thể ở nhà, truy cập internet và nhận kết quả tại nhà.
Thị trấn Nông trường Phong Hải là một trong những địa phương của huyện Bảo Thắng tiên phong thực hiện chuyển đổi số. Những năm qua, thị trấn đã đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Trong năm 2023, thị trấn có hơn 2.000 hồ sơ được thực hiện theo hình thức trực tuyến toàn trình hoặc một phần. Ngoài cổng thông tin điện tử, thị trấn còn triển khai các kênh số khác tương tác trực tuyến với người dân, doanh nghiệp như hệ thống tài khoản OA Zalo UBND thị trấn Nông trường Phong Hải, fanpage Phong Hải danh trà… Khi truy cập, tương tác, người dân có thể được điều hướng, kết nối, hướng dẫn chi tiết để có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường internet.
Thị trấn rất coi trọng việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công, trong đó đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, cán bộ, công chức tại địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, chất lượng phục vụ Nhân dân được nâng cao, người dân được hưởng lợi theo đúng phương châm “Lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số”.
Không chỉ tại thị trấn Nông trường Phong Hải, những năm qua, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công đã góp phần thực hiện tốt trụ cột “chính quyền số” tại nhiều địa phương khác, trong đó việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã góp phần không nhỏ trong thực hiện cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch.
Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, Lào Cai đã công bố, công khai, minh bạch toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết (tổng số 1.895 thủ tục, trong đó cấp tỉnh 1.469 thủ tục, cấp huyện 294 thủ tục và cấp xã 132 thủ tục). Dịch vụ công trực tuyến được mở rộng và đẩy mạnh thực hiện với 1.797 thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần. Việc tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tỉnh Lào Cai đạt trên 80% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 270.000 lượt hồ sơ; đã có hơn 75.000 lượt hồ sơ thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp khoảng 30 tỷ đồng.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai đã được đầu tư xây dựng với các trang – thiết bị, phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin và các hạng mục phụ trợ đồng bộ, hiện đại. Các sở, ngành, doanh nghiệp thực hiện tiếp nhận, số hóa và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bước đầu tạo được nền tảng số làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo trong nhiệm vụ chuyển đổi số.
Thay vì làm việc với hồ sơ giấy truyền thống, các tiện ích từ chuyển đổi số trên nền tảng, dữ liệu được kết nối đã thay đổi nhận thức, thói quen của người làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng như thói quen và nhận thức của người dân, tổ chức khi đến trung tâm thực hiện thủ tục hành chính.
Theo ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, nhờ có hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát chất lượng, tiến độ và hệ thống đánh giá sự hài lòng chặt chẽ nên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại trung tâm làm việc có trách nhiệm hơn, thái độ cư xử đúng mực, giảm tiêu cực. Người dân và tổ chức khi đến trung tâm thực hiện thủ tục hành chính cũng văn minh, lịch sự hơn; kỹ năng sử dụng trang – thiết bị công nghệ hiện đại ngày càng được nâng cao; nhờ có hệ thống xếp hàng tự động thông minh nên không còn cảnh chen lấn, giành giật vị trí như trước. Vì thế, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức được nâng cao. Chỉ số hài lòng của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh Lào Cai trong năm 2023 luôn đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Để thực hiện tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ tập trung chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể như khai thác, sử dụng tốt các ứng dụng và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ tiếp nhận, số hóa và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tổ chức về lợi ích của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, số hóa hồ sơ, thanh toán không sử dụng tiền mặt trong giao dịch thực hiện thủ tục hành chính cũng sẽ được quan tâm. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống camera giám sát, trang – thiết bị cho nhiệm vụ số hóa hồ sơ, hệ thống chấm vân tay và quản lý xin nghỉ, triển khai mô hình “Tự động hóa Trung tâm Phục vụ hành chính công thông qua tương tác Kiosk tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tự động”…
Các giải pháp được tập trung thực hiện hướng tới việc nâng cao chất lượng phục vụ, tăng chỉ số hài lòng trong lĩnh vực hành chính công với Nhân dân. Nhưng, để nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh thành công thì tiếp tục cần sự vào cuộc quyết tâm của từng cơ quan, đơn vị và người dân, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, Lào Cai đã xác định và đang từng bước xây dựng chính quyền số từ việc hình thành công dân số. Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công, tạo tiền đề để công dân và tổ chức, doanh nghiệp được hưởng đầy đủ nhất, toàn vẹn nhất các lợi ích trong cuộc sống.