Tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, những vạt tế, guột dưới tán rừng bắt đầu chết khô. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ khi sử dụng lửa trong rừng cũng có thể bùng phát lên thành “biển lửa”, uy hiếp hàng trăm ha rừng. Hiện, cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang phối hợp với chính quyền, tổ bảo vệ rừng thực hiện tuyên truyền thường xuyên, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân, cộng đồng.
Ông Má A Hù, ở thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết: “Do được tuyên truyền nhiều lần nên người dân đã nâng cao ý thức, mỗi lần lên nương cũng đều báo cáo. Hiện tại, không có hiện tượng cháy rừng”.
Ông Trần Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 3, Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên cho biết thêm: “Năm 2023, 2024, trên địa bàn xã Tả Van cũng xảy ra một số vụ cháy lớn, nhỏ, do trong quá trình thu dọn, đốt thực bì, người dân bất cẩn để xảy ra cháy rừng. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp Nhân dân”.
Nhiều diện tích cây dưới tán rừng tự nhiên đã chết khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao.
Ngoài lồng gắn tuyên truyền thông qua các buổi họp thôn, tại Ngày hội Đại đoàn kết năm 2024, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng lồng ghép tuyên truyền Luật Lâm nghiệp cho hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn.
Ông Vũ Đức Quyền, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết thêm: “Từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi tuyên truyền được trên 500 cuộc, với số lượng trên 10.000 người. Đặc biệt là chúng tôi tăng cường tuyên truyền qua hội nghị và tuyên truyền trực tiếp”.
Lực lượng chức năng lắp biển cảnh báo, phòng chống cháy rừng ở những nơi xung yếu.
Qua rà soát của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, năm 2024 có khoảng 10.000 ha trong vùng trọng điểm cháy, tăng khoảng 4.000 ha so với năm trước. Vừa đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng, đơn vị cũng tiến hành lắp đặt, bổ sung thêm hàng trăm biển cảnh báo ở những nơi xung yếu, xây dựng phương án, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị để phát hiện sớm, xử lý nhanh, kịp thời khi không may xảy ra cháy rừng.
Thế Văn