Ghi nhận tại tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025, tổng nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 là trên 5 nghìn 700 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 4 nghìn tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh, huyện, huy động cộng đồng đóng góp… Với nguồn lực này, tỉnh đã hỗ trợ 245 hộ DTTS thuộc diện hộ nghèo làm nhà ở, 277 hộ chuyển đổi nghề, đầu tư được 27 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và 8.166 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; đầu tư 2 dự án sắp xếp dân cư tập trung; sắp xếp được 152 hộ dân cư xen ghép.
Bên cạnh đó, 416 công trình cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng; thực hiện 158 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có 37 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 121 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với 6.904 hộ tham gia…
Như tại huyện Mường Khương, chính quyền địa phương đã triển khai xây dựng được trên 170km đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Mường Khương đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Những năm qua Chương trình MTQG 1719 với 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và 36 nội dung bao trùm cơ bản trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục… của đồng bào DTTS và miền núi, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
“Muốn đạt được mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa thì cần rất nhiều yếu tố; trong đó, hạ tầng giao thông có vai trò then chốt. Chính vì vậy, thời gian qua, bằng nhiều cách làm và lồng ghép các nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, huyện Mường Khương đã đẩy mạnh việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn huyện sẽ hoàn thiện 106 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài là 277km để thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con Nhân dân…”, ông Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết.
Tương tự, với nguồn lực đầu tư thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã tập trung giải quyết triệt để tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân. Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2024, huyện Phong Thổ được phân bổ hơn 100 tỷ đồng để thực hiện 10 dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719. Từ nguồn lực này huyện đã triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất ở, nhà ở, hỗ trợ liên kết, đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào DTTS.
“Huyện đã hỗ trợ nhà ở cho trên 100 hộ đồng bào DTTS nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho trên 250 hộ nghèo thiếu đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 600 hộ gia đình khó khăn về nước sạch, đầu tư nâng cấp sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt cho trên 500 hộ sử dụng; sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở với 189 hộ của Mán Tiển, xã Bản Lang và bản Căn Câu, xã Sin Suối Hồ; đầu tư nâng cấp sửa chữa 69km các tuyến đường giao thông liên bản, liên xã, nâng cấp sửa chữa 4 công trình thủy lợi…”, bà Sim thông tin.
Theo ông Trần Hữu Chí, Trưởng Ban Dân tộc Lai Châu, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần đưa Lai Châu trở thành địa phương có tốc độ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS cao, vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 3%. Cụ thể, nếu như năm 2019 toàn tỉnh có 66 xã, 696 bản thuộc diện ĐBKK, thì đến năm 2024 con số này giảm xuống còn 54 xã, 557 bản. Đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3,93%/năm, riêng huyện nghèo giảm 5,7%/năm, vượt Nghị quyết lần lượt 0,7% và 0,9%/năm. Thu nhập bình quân của đồng bào DTTS hết năm 2023 là 18,36 triệu đồng/người/năm, tăng 2,84 triệu đồng/người/năm so với năm 2020…
Từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, các địa phương vùng Tây Bắc đã và đang đầu tư, hỗ trợ có hiệu quả; qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân… các địa phương trong vùng đang nỗ lực, chung tay đưa Tây Bắc ra khỏi “lõi nghèo”. Trong đó, Chương trình MTQG 1719 đã và đang tạo “cú huých” mạnh mẽ hiện thực hóa quyết tâm của các địa phương.
Dấu ấn Chương trình MTQG 1719 – Nhìn từ một Hội nghị cấp vùng