Lễ khai mạc khu gian hàng quốc gia Việt Nam tại hội chợ quốc tế công nghiệp thực phẩm (Anuga) 2023.
Đây không chỉ là cơ hội rất tốt để quảng bá cho ngành thực phẩm nói chung của Việt Nam, mà còn là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, với chủ đề “phát triển bền vững”, Anuga 2023 thu hút khoảng 7.800 công ty trưng bày đến từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, dự kiến thu hút hơn 150.000 lượt khách thăm quan và làm việc tại hội chợ.
Tham gia hội chợ lần này, đoàn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với trên 80 doanh nghiệp xuất – nhập khẩu,trong đó có hơn 60 gian hàng trưng bày các sản phẩm chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam. Đặc biệt, trong số đó có nhiều sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam – Vietnam Value.
Nhằm bắt kịp xu hướng “xanh, phát triển bền vững” đang được khách hàng Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng đón nhận mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam mang đến Hội chợ Anuga 2023 lần này nhiều sản phẩm xanh, hữu cơ được sản xuất theo tiêu chuẩn thân thiện với môi trường như gia vị, rau quả, gạo, mật ong…
Phát biểu tại lễ khai mạc khu gian hàng quốc gia Việt Nam ở hội chợ Anuga 2023, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã được đưa vào thực thi từ tháng 1/2020 trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Hiệp định này đang phát huy tác dụng tích cực đối với thương mại song phương hai chiều mà trong đó Đức và Việt Nam là 2 thành viên tích cực.
Việc lựa chọn các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tốt, có mong muốn và năng lực thay đổi, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp chuyên nghiệp hơn, tin cậy hơn đối với các nhà nhập khẩu quốc tế khi tham dự hội chợ có uy tín và chất lượng hàng đầu thế giới như Anuga không chỉ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mở rộng thị trường, mà còn giúp những doanh nghiệp này tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới thông qua việc tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp mua hàng uy tín từ khắp nơi trên thế giới; tạo cơ hội tốt để các doanh nghiệp cập nhật kịp thời xu hướng thị trường, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực tế nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Giới thiệu các sản phẩm gạo của Việt Nam tại hội chợ Anuga.
Ông Vũ Bá Phú cho rằng một trong những điểm khác biệt của năm nay so với những năm trước là Bộ Công Thương tổ chức cho các doanh nghiệp hàng loạt các sự kiện bên lề, theo đó không chỉ mang đến hàng hóa trưng bày, mà các doanh nghiệp Việt còn được Cục xúc tiến Bộ Công Thương hỗ trợ tham dự các hoạt động như quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương. Ngoài ra, điểm mới nữa của hội chợ năm nay là phối hợp quảng bá thương hiệu quốc gia của Việt Nam với thương hiệu ngành thực phẩm của Việt Nam – “Vietnam Food”. Điều này cho thấy các nỗ lực phối kết hợp để quảng bá thương hiệu của Việt Nam cùng với thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm đạt được các thương hiệu sản phẩm quốc gia Việt Nam.
Cụ thể, tại hội chợ, 4 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam, đều được ưu tiên tham gia trưng bày ở những vị trí đẹp nhất trước gian hàng Việt Nam. Đây cũng là hoạt động nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu đạt thương hiệu quốc gia để khi tham gia hội chợ, các doanh nghiệp không chỉ tìm bạn hàng mà còn nắm bắt được xu hướng của thị trường thế giới trong năm nay và nhiều năm nữa.
Các doanh nghiệp thông qua việc tham dự hội chợ này nắm được xu hướng của thị trường thế giới, những tiêu chuẩn mới của thị trường thế giới, đặc biệt là “tiêu chuẩn xanh”, tiêu chuẩn “phát triển bền vững” và chuyển đổi xanh trong sản xuất và xuất khẩu thời gian qua.
Đối với Cục Xúc tiến thương mại, thời gian qua, cục này cũng đã có những cảnh báo liên quan đến xu hướng của thị trường với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, rằng nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển đổi Xanh để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường EU và một số thị trường phát triển khác như Mỹ, Nhật Bản thì khoảng 3 – 5 năm nữa, cho dù chúng ta có những sản phẩm rất tốt, mẫu mã bao bì tốt cũng không thể “có tấm vé” vào cửa các thị trường lớn, không thể đáp ứng được tiêu chuẩn xanh hay “Đạo luật vì trách nhiệm xã hội” của công ty Đức hoặc những quy định về “dấu chân Carbon” của EU.
Để đáp ứng hay hỗ trợ các doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn này, trong thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức quốc tế và các chuyên gia quốc tế để có thể tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta trong việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi xanh trong sản xuất và tiêu dùng.