Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Việt Nam diễn ra chiều 15/4 tại Hà Nội.
Buổi họp báo có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, đông đảo phóng viên trong nước và nước ngoài.
Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của HĐNQ, với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên LHQ, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch. “Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam coi trọng Cơ chế UPR và luôn nghiêm túc xây dựng các Báo cáo quốc gia cũng như triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận tại các chu kỳ”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.
Chia sẻ nội dung Báo cáo mà Việt Nam sẽ trình bày tại Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR chu kỳ IV tại HĐNQ LHQ vào ngày 7-5 tới, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, tính đến tháng 1-2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%), thực hiện có hiệu quả một phần và đang tiếp tục thực hiện 30 khuyến nghị (12,4%), và đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp đối với 2 khuyến nghị (chiếm 0,9%).
Từ năm 2019 đến hết tháng 11-2023, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việt Nam cũng đã và đang tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung một số Luật phù hợp với các cam kết quốc tế. Việt Nam cũng đã tiếp tục rà soát, gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người cũng như triển khai các điều ước một cách nghiêm túc. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, 25 Công ước quốc tế về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới với những sáng kiến, hành động thiết thực, cụ thể, đặc biệt là trên cương vị thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023-2025…
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, với những nỗ lực đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm các quyền con người trên thực tế. Kể từ năm 2019, GDP trên đầu người đã tăng 25%, tỷ lệ hộ dân nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 92% vào năm 2022; tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh tại Việt Nam đạt từ 98,3%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2018; 90,69% khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung (tăng 13 khu công nghiệp so với năm 2019); 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng…
Sau 26 năm kết nối internet, tính đến tháng 9-2023, Việt Nam có hơn 78 triệu người sử dụng internet (xếp thứ 13 thế giới về số lượng người dùng, tăng 21% so với năm 2019), số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu (tăng 38% so với năm 2019). Các phương tiện truyền thông, báo chí, internet phát triển không ngừng, trở thành diễn đàn ngôn luận của nhân dân, của các tổ chức xã hội, là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân…
Bên cạnh những kết quả này, Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR chu kỳ IV cũng chỉ ra một số thách thức Việt Nam phải đương đầu, từ đó đề ra các hướng ưu tiên và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong thời gian tới như: Tăng cường nguồn lực cho phát triển bền vững, bao trùm; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công, tăng cường các nỗ lực cải cách hành chính, thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi xanh, chuyển đổi số quốc gia; thực hiện đầy đủ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), mở rộng hệ thống an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa; nâng cao nhận thức về quyền con người.
Tiến trình xây dựng Báo cáo UPR của Việt Nam được thực hiện công khai, minh bạch
Tại họp báo, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cũng chỉ ra một số thuận lợi mà Việt Nam có được trong quá trình thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam đã chấp thuận và xây dựng Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR chu kỳ IV. Trước hết, chủ trương đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, luôn tôn trọng quyền con người, luôn đặt con người vào vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển của Việt Nam, xác định con người là chủ thể, là mục tiêu; là nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, dù phải đối mặt với nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng, qua đó nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh đời sống xã hội cũng như bảo đảm tốt hơn quyền con người.
Những yếu tố thuận lợi khác cũng được Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhắc tới như Việt Nam có cam kết mạnh mẽ đối với LHQ, với HĐNQ trong việc thực hiện các cam kết theo các khuyến nghị quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; Việt Nam đã nhận được sự hợp tác tích cực, hiệu quả của các tổ chức quốc tế, của các quốc gia thành viên LHQ; Việt Nam cũng có tương đối nhiều kinh nghiệm sau 3 chu kỳ trước để thực hiện tốt các khuyến nghị của chu kỳ này…
“Tiến trình xây dựng Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR của Việt Nam được thực hiện công khai, minh bạch với sự tham gia đông đủ của các bên liên quan, không chỉ là các cơ quan Chính phủ mà còn là các cơ quan, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quần chúng và trực tiếp người dân, cũng như các đối tác quốc tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như một số bộ, ngành đã tổ chức 6 hội thảo và các cuộc tham vấn lấy ý kiến của các bên liên quan về nội dung trong báo cáo. Tại mỗi hội thảo có khoảng 30-40 đại diện các tổ chức tham dự và có sự tham dự của đông đảo các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam đóng góp nội dung cho báo cáo này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân thông qua email và chúng tôi đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp phù hợp của các tổ chức, cá nhân đó”, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định.
Bày tỏ việc xây dựng Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR cũng như thực hiện các khuyến nghị UPR là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia thành viên LHQ, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia về Cơ chế UPR của Việt Nam gắn liền với quá trình tham gia HĐNQ. Đó là bảo đảm sự tôn trọng, hiểu biết, có đối thoại và hợp tác, bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường sự tham gia đóng góp vào HĐNQ trong thời gian tới.