Trong năm 2023, tốc độ tăng người siêu giàu của Việt Nam là 2,4% so với năm 2022, mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 0,8% của Thái Lan. Tuy nhiên, mức tăng người siêu giàu của Việt Nam vẫn thấp hơn tốc độ tăng người siêu giàu của Singapore với 4%, Indonesia với 4,2% và Malaysia với 4,3%.
Nhưng, từ năm 2023 – 2028, theo Knight Frank, tốc độ gia tăng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ nhanh hàng đầu thế giới, có thể đứng thứ 5 tại khu vực châu Á chỉ xếp sau Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia. Đáng nói, tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam được dự báo cao hơn Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore trong giai đoạn 2023 – 2028.
Theo Knight Frank, giới nhà giàu và siêu giàu Việt Nam tăng nhanh, đồng nghĩa với việc quan tâm đến các mặt hàng xa xỉ phẩm, đồ trang sức, xe sang ngày càng lớn, Vì vậy, việc nhập khẩu đồ xa xỉ tại Việt Nam được ghi nhận tăng rất cao thời gian tới.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ về Việt Nam tăng mạnh, trong đó đồ trang sức là 8%, xe hơi là 26%, rượu vang 6% và đồng hồ 8%.
Theo dự báo của Knight Frank, châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng về lượng người siêu giàu đến 2028, tăng 38,3% so với năm ngoái. Châu Á hiện đang có hơn 165.400 người siêu giàu, con số này sẽ đạt gần 230.000 người vào năm 2028.
Hiện theo Forbes, Việt Nam có 6 tỷ phú USD, trong đó tỷ phú Phạm Nhật Vượng với khối tài sản 4,4 tỷ USD, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air) với 2,8 tỷ USD, Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long với 2,6 tỷ USD, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh với 1,8 tỷ USD, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan (MSN) Nguyễn Đăng Quang đều có khối tài sản 1,2 tỷ USD.
Trước đó, vào tháng 5/2023, theo báo cáo của Knight Frank tính đến cuối năm 2022 số người siêu giàu của Việt Nam đã đến 1.059 người, tăng 82% chỉ sau 5 năm.
Tổ chức này dự báo đến năm 2027, số người siêu giàu của Việt Nam sẽ gần chạm mốc 1.300 người, tương đương tăng thêm 22% so với hiện tại và tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm.
Ngoài sự gia tăng của giới tỷ phú, giới siêu giàu, Việt Nam còn được các tổ chức quốc tế đánh giá là có sự tăng trưởng tầng lớp người giàu, người trung lưu cao.
Theo báo cáo năm 2022 của Bộ LĐTBXH cho thấy, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm 13% dân số (xấp xỉ 13 triệu người) và có thể tăng lên 26% vào năm 2026.
Năm 2021 báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Statista cho biết tầng lớp trung lưu đang hình thành hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026. Theo báo cáo vào tháng 3/2021 của Statista, dự kiến đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức hơn 50 triệu người. Trong đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 10,1% giai đoạn 2016 – 2021, mức cao nhất Đông Nam Á.
Cũng theo tổ chức phân tích dữ liệu uy tín toàn cầu (Áo), trong năm 2024, Việt Nam có thêm 4 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và đến 2030 có thêm 23,2 triệu người.
Hiện, định danh tầng lớp trung lưu theo các quy chuẩn khác nhau, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo trong giai đoạn 2025-2027, quy mô GDP Việt Nam được IMF dự báo liên tục xếp thứ 3 trong khối ASEAN-6 và đạt lần lượt là 571,12 tỷ USD; 629,62 tỷ USD và 690,11 tỷ USD.
Xét về GDP bình quân trong khu vực ASEAN, năm 2023, IMF dự báo GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng 4.682 USD, xếp thứ 6/10 các quốc gia trong khối ASEAN. Đến năm 2024, GDP bình quân Việt Nam sẽ vượt mốc 5.000 USD theo dự báo của IMF. Cụ thể, GDP bình quân Việt Nam đạt khoảng 5.118 USD, xếp thứ 6/10 trong khối ASEAN.