Không chỉ là cái bánh
Nhịp sống thời công nghệ 4.0, nên mạng xã hội cũng “thử” giùm người ta vị bánh trước khi quyết định mua. Từ trước trung thu khoảng một tháng là thời điểm vàng để các TikToker, Facebooker, YouTuber… liên tục đưa ra bài viết, hình ảnh, video giới thiệu các tiệm bánh trung thu. Từ bánh vị truyền thống quen thuộc, đến những hộp bánh cao cấp giá chục triệu đồng đều có đủ. Lượt xem của mỗi video giới thiệu kiểu này cũng vào mùa lên tốp, vài triệu view cho những video giới thiệu bánh cao cấp hay vị độc lạ là chuyện bình thường.
Người ta nhắc nhiều về độ cầu kỳ, công phu của hộp bánh được thiết kế riêng hay vị bánh ngọt, nhạt với những nguyên liệu ngoại nhập như thế nào. Nhưng gần như trong hàng triệu video giới thiệu bánh trung thu trên các nền tảng trực tuyến đó, chẳng mấy người có đủ sự am tường để nói về một mùa trăng đoàn viên.
Nhiều năm học tập rồi lập nghiệp ở thành phố, số lần về quê cũng ít dần khi vòng xoáy công việc, cuộc sống luôn làm người ta bận bịu. Nguyễn Thị Huyền Chi (34 tuổi, nhân viên kiểm toán, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) tâm sự: “Lúc nhỏ, chỉ cần một cái bánh là đủ một mùa trung thu cho cả nhà. Bây giờ, tôi có thể gởi về cho ba mẹ vài hộp bánh nếu ông bà thích, nhưng tôi không làm vậy. Tôi vẫn muốn tự tay mình mang hộp bánh về nhà, để cùng ba mẹ nhâm nhi. Có tiền thì ở đâu cũng mua bánh được thôi, nhưng bánh của mùa đoàn viên còn là sự trở về nhà nữa, chứ không phải một cái bánh hay một hộp bánh là xong”.
Và ý nghĩa nhất của mùa trung thu, có lẽ là sắp nhỏ trong nhà. Một cái bánh hay lồng đèn xanh đỏ tất nhiên là đủ vui cho đám trẻ, nhưng để con trẻ lớn lên một cách trọn vẹn thì cần nhiều hơn. “Mỗi lần trung thu là tôi cùng bà xã lại ngồi nghe các con thích bánh gì, lồng đèn nào và cả nhà sẽ cùng đi mua. Sau đó, vợ chồng cũng dạy các con ý nghĩa mùa đoàn viên, cùng con mang bánh về biếu ông bà hai bên, đó mới là việc cần làm. Chứ mua bánh về rồi ăn cho vui thì cũng chỉ là mùa nào thức nấy thôi”, anh Phan Hoàng Tuấn (45 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 4, TPHCM) chia sẻ.
Nhiều điều nặng mang
Nhiều năm trước, chị gái tôi vẫn thường mang về nhà một hộp bánh trung thu do công ty tặng cho nhân viên mỗi dịp tháng 8 âm lịch. Sau này, đi làm, tôi càng thích văn hóa tặng bánh trung thu cho nhân viên ở công ty hơn là việc chuyển một khoản tiền mừng vào tài khoản. Có lẽ, việc tặng nhau một cái bánh không chỉ là chuyện thưởng thức theo mùa, mà nó còn ẩn chứa sự quan tâm, nhắc nhở nhau về giá trị tình thân, giá trị đoàn viên.
Nhưng trong nhịp sống bây giờ, suy nghĩ của tôi có lẽ sẽ trở thành đề tài bàn tán khi đưa vào các nhóm trên mạng xã hội. Bởi chuyện tặng bánh trung thu hay quà cáp dịp tết bây giờ, cái bánh phải cõng trên mình bao nhiêu áp lực để vừa lòng nhau.
Vài lần có việc ngang qua phố lồng đèn ở quận 5, vẫn là những chiếc lồng đèn xanh đỏ kiểu công nghiệp treo đầy hai bên đường. Khách mua một cái nhưng chụp hình từ đầu đến cuối đường, thậm chí không ít người cãi cọ vì giành nhau một góc chụp hình đẹp, và cũng chẳng có mấy thiếu nhi xuống phố chơi trung thu, chủ yếu là các bạn trẻ theo trào lưu “check-in” ở phố lồng đèn.
Không phải ngẫu nhiên, mà mỗi dịp tết hay các ngày lễ trong năm, người ta vẫn gặp đâu đó những tiếng thở dài từ trên mạng xã hội đến cả những người xung quanh, rằng “bây giờ, đã nhạt hơn xưa”. Nếu nhìn ở góc độ vật chất, thì làm sao mà “nhạt” hơn xưa được, khi bánh trái bây giờ có trăm ngàn lựa chọn, đến bánh ngoại nhập cũng mua được dễ dàng. Nhưng nó khác ở chỗ, khi thị trường chỉ có 2 lựa chọn nhân thập cẩm hay đậu xanh, người ta đón nhận mùa trung thu bằng một niềm vui rất khác, dẫu vị bánh chưa đủ ngọt ngào, nhưng giá trị đoàn viên, thân tình một miếng cũng đủ đong đầy.
Nhắc về những điều hoài niệm, người ta cũng chia thành 2 chiều ý kiến, người ủng hộ thì gắn vào đó cả một miền ký ức, nhưng cũng có người bĩu môi chẳng khác gì chuyện “no cơm ấm áo lại thèm nọ kia”. Góc nhìn cá nhân, ai cũng có quan điểm và đúng trong chừng mực của mình. Đổi thay và phát triển của xã hội cũng là một quy luật bình thường, nhưng có những giá trị dẫu nhiều năm tháng trôi qua vẫn còn nguyên vẹn, đó là giá trị đoàn viên, hương vị tình thân, mà một cái bánh hay chiếc lồng đèn chẳng thể đủ sức đại diện. Văn hóa nếp nhà hẳn là giá trị như thế, chứ không phải chuyện ăn một miếng theo mùa, check-in một tấm hình theo trào lưu.